Tính đến hết tháng 4, giá trị nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt của Việt Nam đã đạt 1,36 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhiều nhất là thịt trâu, bò sống, với hơn 204 triệu USD, tăng 102,8%. Kế đến là thịt bò đông lạnh đạt 116 triệu USD, tăng 88,5%. Thịt gà các loại đạt gần 80 triệu USD, tăng 50,7%. Riêng thịt heo đạt 39,7 triệu USD, tăng đến 445%.
Xét về tỷ lệ nhập khẩu thì thịt heo có tỷ lệ tăng cao nhất, với mức tăng gần 445%. Thế nhưng, tỷ lệ này chưa làm hạ nhiệt giá thịt heo trên thị trường. Ghi nhận thực tế cho thấy, giá heo hơi xuất chuồng trong tháng 5 vẫn duy trì ở mức rất cao, trên dưới 100.000 đồng/kg. Giá heo xẻ thịt tại các chợ có mức trên dưới 200.000-300.000 đồng/kg, tùy loại. Lý giải vấn đề này, về phía Bộ NN-PTNT cho biết, tuy lượng nhập khẩu thịt các loại tăng nhưng so với nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ.
Trong khi đó, nguồn cung thịt các loại trong nước vẫn đang giảm nhẹ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, trên cả nước, ngoại trừ đàn gia cầm có mức tăng 14%, còn lại thì đàn trâu giảm 2%, đàn heo giảm 13,2%. Hiện tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước đã bắt đầu ổn định và sẽ gia tăng đàn trong thời gian tới.
Tính đến cuối tháng 4, cả nước không còn dịch heo tai xanh; dịch tả heo châu Phi tiếp tục được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn thực hiện tái đàn. Tuy nhiên, ghi nhận có một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại Ninh Bình, một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại Cần Thơ chưa qua 21 ngày và 2 ổ dịch lở mồm long móng tại Kon Tum. Ngoài ra, cả nước có 106 xã thuộc 47 huyện của 20 địa phương có ổ dịch tả heo châu Phi chưa qua 30 ngày.