Lý giải thực tế này, về phía Bộ Công thương cho rằng, nguyên nhân là do chưa thể kiểm soát được việc nâng giá thịt heo ở khu vực thương lái trung gian. Trên thực tế, các thương lái có thể mua giá heo hơi tại trang trại hoặc công ty chăn nuôi thấp, nhưng qua khâu vận chuyển, giết mổ… thì giá thành đã được điều chỉnh tăng mạnh. Cuối cùng là người tiêu dùng vẫn bị thiệt, dù giá heo hơi đã được điều chỉnh giảm mạnh.
Đồng thuận với ý kiến trên, nhiều DN chăn nuôi cho biết, để thực hiện cam kết giảm giá thịt heo trên thị trường, nhiều DN đã phải từ chối bán heo cho các thương lái, đồng thời trực tiếp kết nối với các lò mổ cũng như hệ thống phân phối để phân phối heo xẻ thịt. Tuy nhiên hoạt động này chỉ có thể giới hạn trong phạm vi kênh phân phối hiện đại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, còn tại các chợ dân sinh, giá thịt heo vẫn duy trì ở mức cao.
Ghi nhận tại TPHCM, giá thịt heo ở các chợ truyền thống trong những ngày qua vẫn dao động trong mức 130.000 đồng - hơn 200.000 đồng/kg tùy loại và chưa có dấu hiệu giảm giá.
Theo các DN, để có thể quản lý được giá thịt heo, các cơ quan chức năng cần phải quản lý đồng bộ theo chuỗi thực phẩm. Cụ thể, phải quản lý được từ khâu chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ tới khâu tiêu thụ, kết hợp cắt giảm bớt các khâu trung gian. Bên cạnh đó, phải có biện pháp chế tài với những trường hợp DN, thương lái cố tình nâng giá.
Bộ Công thương cho biết, bộ đang chỉ đạo các tham tán thương mại khảo sát tìm nguồn cung nhập khẩu để tăng lượng thịt heo cung ứng trên thị trường, giúp kéo giảm giá thành thịt heo trong thời gian tới. Mặt khác, bộ đang xem xét đề xuất đưa thịt heo vào danh mục các mặt hàng bình ổn, bởi đây là nguồn thực phẩm thiết yếu và chính trong khẩu phần ăn của người dân.