Người tiêu dùng chọn mua thịt heo sạch
Người tiêu dùng chịu thiệt
Nhiều tuần qua, anh Đỗ Văn Ngọc - một nhân viên văn phòng ở quận 3 - thường dùng bữa trưa ở các quán thấy những món ăn thịt heo đều ít thịt hơn so với trước kia. Khi anh Ngọc thắc mắc thì chủ quán giãi bày, do giá thịt heo lên cao đột ngột, nhưng nếu tăng giá bán thì sợ nhiều người sẽ bỏ quán nên đành phải giảm lượng thịt.
Từ khi thịt heo tăng giá, nhiều gia đình cũng chuyển đổi sang dùng thịt ngoại nhiều hơn. Chị Lê Hoàng Oanh (ngụ quận 10) cho hay, từ ngày thịt heo tăng giá cao gần bằng với thịt bò Việt Nam, Mỹ, Úc, gia đình chị đã chi thêm tiền để mua thịt bò do có chất dinh dưỡng hơn so với thịt heo.
Một công ty cung cấp thịt heo cho hệ thống siêu thị ở TPHCM cho biết, từ ngày thịt heo tăng, công ty phải chấp nhận chịu lỗ do theo hợp đồng. Theo Chương trình Bình ổn thị trường tại TPHCM, nếu tăng giá, phải xin điều chỉnh giá bình ổn và có văn bản gửi Sở Tài chính, khi được duyệt mới tăng giá.
Còn theo công ty cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn công nghiệp, trường hợp tăng giá thịt heo thì các bếp ăn tập thể sẽ giảm số ngày ăn thịt heo, hoặc giảm số lượng thịt trong khẩu phần ăn, hoặc có thể lựa mua loại ít tiền.
Trong câu chuyện thịt heo tăng giá, người chăn nuôi lãi là điều đương nhiên, thương lái mua giá heo hơi 46.000 đồng/kg thì “hét” giá 50.000 đồng/kg. Thương nhân chợ đầu mối, tiểu thương chợ truyền thống cũng tăng giá bán. Đó là cơ chế thị trường. Tóm lại, chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt.
Quản lý chặt, hướng đến thực phẩm an toàn
Theo một chuyên gia, thời điểm hiện tại, thịt heo hơi của Trung Quốc, Campuchia đang có giá thấp hơn Việt Nam. Nếu thịt heo hơi Việt Nam vượt hơn 50.000 đồng/kg, thương lái sẽ sang các nước láng giềng này để mua và đưa về Việt Nam qua đường tiểu ngạch.
Hiện tại, nhiều trang trại, nông hộ vẫn nuôi heo theo phương thức “có gì cho ăn nấy” và không tiêm ngừa phòng bệnh, nên thịt không đạt chất lượng tốt nhất. Trên thị trường đã có thịt heo thảo mộc, heo hữu cơ, nhưng từ khi heo nuôi theo tiêu chuẩn bình thường khan hiếm thì giá heo thảo mộc, heo hữu cơ cũng bị đẩy tăng theo. Trong khi với giá 50.000 đồng/kg như hiện nay, lẽ ra người tiêu dùng phải được sử dụng sản phẩm heo hữu cơ, heo thảo mộc và giết mổ công nghiệp.
Theo Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, thịt heo tăng giá đang làm cho người tiêu dùng phải chịu thiệt. Hiện tại, các trang trại chăn nuôi có thể tính toán được đầu ra, nhưng phải có thêm giám sát từ cơ quan quản lý địa phương. Nếu các trang trại liên kết theo chuỗi mà chi phối trên 35% thị trường thì đã có thể định giá được. Từ đó, cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát giá cả và sản lượng.
Có thể thấy, nhiều năm trước, sản phẩm thịt gà, trứng gà cũng không quản lý được. Tuy nhiên, sau đợt cúm gia cầm H5N1, nếu muốn nuôi gà buộc phải theo quy mô tập trung có chuồng trại, đảm bảo vệ sinh môi trường và giết mổ công nghiệp. Từ đó, sản lượng thịt gà, trứng gà cung cấp ra thị trường ổn định, có thể tính toán được đầu ra. Nếu như cơ quan chức năng quản lý hoạt động chăn nuôi heo được như đối với gà, cộng thêm việc nhiều nhà máy giết mổ công nghiệp đang được xây dựng, sẽ hướng đến thực phẩm an toàn, chất lượng cao. Thậm chí, hướng đến xuất khẩu được thịt heo qua chế biến, như thịt gà.
Song song đó, Đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo do TPHCM triển khai đã hoàn thành giai đoạn 1 - từ chăn nuôi ra đến chợ đầu mối. Được biết, giai đoạn 2 sẽ triển khai truy xuất con heo 1 ngày tuổi như con gà. Nếu làm được điều này, TPHCM có thể quản lý được các trang trại, heo đến ngày là bắt buộc phải xuất chuồng, sẽ không có tình trạng găm hàng khiến giá cao như hiện nay. Bên cạnh đó, các công ty chăn nuôi heo có tâm lý sợ tiết lộ sản lượng, do đó các tỉnh, thành trên cả nước cần liên kết với nhau để nắm được quỹ hàng hóa và quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng các công ty phân phối lớn thao túng thị trường.