Đó là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị khoa học Hội Hô hấp Việt Nam - Hội Phổi Pháp Việt vào sáng 4-11. Hội nghị tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp và 30 năm hợp tác y tế Pháp - Việt. Hơn 1.000 chuyên gia, bác sĩ từ Việt Nam, Pháp, Úc có mặt để cùng bàn các giải pháp quản lý kháng kháng sinh và các tổn thương phổi sau Covid-19.
Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS-BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nhờ có sự phối hợp tích cực giữa Bộ Y tế và các hiệp hội chuyên ngành, đặc biệt là chuyên ngành hô hấp, cuộc chiến chống Covid-19 đã đạt nhiều thành quả. Việt Nam đã chính thức công bố với thế giới chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Tuy nhiên thách thức vẫn còn nhiều.
Những năm qua, các nhà khoa học chuyên ngành hô hấp Việt Nam đã tăng cường, hợp tác khoa học quốc tế để cập nhật kiến thức khoa học về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh lý hô hấp.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nêu thực trạng hiện nay bệnh lý hô hấp ngày càng phức tạp. Ngoài các bệnh kinh điển còn xuất hiện những bệnh mới nổi chưa từng có trước đây, gây khó khăn cho chẩn đoán, điều trị và theo dõi người bệnh.
Diễn biến phức tạp khó lường của các bệnh hô hấp nhiễm trùng, tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn cũng làm cho công tác chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn. Hội Hô hấp Việt Nam đã đóng góp không nhỏ trong việc tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa cho bác sĩ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
TTND-GS-TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chia sẻ, Việt Nam là một trong các quốc gia những năm gần đây gia tăng kháng kháng sinh. Nguyên nhân do sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe như kê đơn không hợp lý, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa tốt, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và trong cộng đồng…
GS Ngô Quý Châu phát biểu |
Đặc biệt, việc người dân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, tự ý tăng giảm hoặc bỏ liều cũng làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh. “Trong đại dịch Covid-19, nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, lao không được chẩn đoán và điều trị do các phòng khám ngoại trú đóng cửa. Người dân lo sợ, hạn chế đi khám, do đó có thể mầm bệnh không được ngăn chặn triệt để, nguy cơ lây lan và kháng thuốc”, GS Ngô Quý Châu thông tin.
Còn theo TTƯT-PGS-TS Chu Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, những kháng sinh đầu tay ưu tiên được lựa chọn cho điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng có 3 loại chính là nhóm penicilin, nhóm cephalosporin, và nhóm macrolid. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhiều công trình đã công bố tại Việt Nam và thế giới cho thấy, hiện nay độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với các kháng sinh này có xu hướng giảm dần, thậm chí mức độ đề kháng đang ở mức cao, đáng báo động.
Báo cáo tại hội nghị, GS-TS Hans Liu, Bệnh viện Bryn Mawr, Mỹ cho biết, hiện nay thế giới đang thiếu các phát minh về nhóm kháng sinh mới. Hơn 10 năm trở lại đây không có phát minh về kháng sinh mới, trong khi số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh gia tăng mạnh, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. “Dùng kháng sinh tốt nhất cho chỉ định, ngừng dùng kháng sinh khi không còn cần thiết với liệu trình ngắn hơn để giảm đề kháng kháng sinh”, GS Hans nói.
Hội nghị khoa học Hội Hô hấp Việt Nam - Hội Phổi Pháp Việt năm nay có 137 bài báo cáo của gần 90 chuyên gia, bác sĩ, trong đó hơn một nửa đến từ Pháp, Mỹ, Nhật, Úc.
Nhiều chủ đề thiết thực được thảo luận như cập nhật chẩn đoán, điều trị hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, ngừng thở khi ngủ, bệnh lý phổi kẽ…, vấn đề hô hấp nhi và phẫu thuật lồng ngực. Bên cạnh đó, cũng có nhiều kỹ thuật chẩn đoán, điều trị mới được chia sẻ.