Gia tăng ứng dụng công nghệ trong y tế: Tiện lợi cho chăm sóc sức khỏe

Số lượng ứng dụng y tế tăng nhanh trong thời gian qua (eNcounter, eDoctor, Miss AI Medical, DrCare…) nhằm cung cấp thêm nhiều dịch vụ cho người dân như tham vấn bác sĩ, đặt lịch khám chữa bệnh, mua thiết bị y tế, thuốc men...
Người dân dùng phần mềm Amaz Care để trao đổi trực tiếp với bác sĩ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân dùng phần mềm Amaz Care để trao đổi trực tiếp với bác sĩ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chọn bác sĩ, đặt lịch khám

Đi làm về, thấy con bị sốt, chị Thanh Nhàn (ở phường 7, quận 5, TPHCM) liền dùng chiếc điện thoại thông minh mở ứng dụng eDoctor. Sau vài phút thao tác, chị Nhàn đã đặt được lịch hẹn với bác sĩ ở một phòng khám gần nhà. Hay ông Hoàng Nhân (ở phường 3, quận 8, TPHCM) cảm thấy khó thở sau khi đi tập thể dục về, liền vào ứng dụng DrCare liên lạc ngay với bác sĩ để nhờ tư vấn, hỗ trợ… Đây là những trường hợp người dân dùng các ứng dụng y tế một cách thuận tiện, kịp thời để tham vấn tình trạng sức khỏe cũng như tìm nơi khám bệnh khi có nhu cầu.

Trong các ứng dụng y tế, phải nói đến eDoctor, là ứng dụng theo dõi và cải thiện sức khỏe tại nhà, giúp người dùng tiết kiệm được chi phí với những gói khám có giá ưu đãi. Ứng dụng này kết nối trực tiếp với bác sĩ, giúp người dùng tra cứu thuốc thông qua tên hoặc hình ảnh. Hay với ứng dụng AMAZ Care, người dùng có thể trao đổi với bác sĩ mọi lúc mọi nơi, chọn chuyên khoa, đặt lịch thăm khám phù hợp. Ứng dụng trên cũng tích hợp đầy đủ các tính năng, công cụ hỗ trợ cho việc quản lý hồ sơ bệnh nhân, đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh, quản lý đơn thuốc và thu chi. Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc sản phẩm Công ty TNHH Công nghệ Amaz, cho biết, sau khi tải ứng dụng về điện thoại, người dùng có thể dễ dàng kết nối, trao đổi với những bác sĩ hàng đầu tại Việt Nam với đầy đủ chuyên khoa, tất cả chỉ bằng “một chạm” ngay trên điện thoại.

Còn eNcounter là ứng dụng khám bệnh từ xa hỗ trợ đầy đủ các chức năng theo thời gian thực, được tích hợp trên hệ thống trạm khám bệnh từ xa (telemedicine), máy tính xách tay, máy tính để bàn và thiết bị di động. Ứng dụng Miss AI Medical - Cô Y tế là ứng dụng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đầu tiên tại Việt Nam sử dụng các nền tảng công nghệ tiên tiến bao gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data), ngôn ngữ tự nhiên (NLP), đồ họa (3D)…, giúp tương tác nhanh nhất và kết nối với đội ngũ y tế tiện lợi nhất cho người dùng.

Hầu hết ứng dụng y tế được đánh giá dễ dàng cài đặt và sử dụng trên điện thoại thông minh, mang đến những tiện ích cho người dùng. Đại diện Sở KH-CN TPHCM cho biết, thời gian qua, TPHCM có nhiều chương trình thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ áp dụng vào lĩnh vực y tế. Các nền tảng y tế số tập trung vào việc xây dựng hệ thống thông tin phục vụ hoạt động quản lý, khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân chăm sóc sức khỏe…

Khai thông nguồn lực xã hội

Ông Đàm Văn Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Amaz, chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AMAZ Care, Công ty Amaz nhận thấy rằng, 70% dân số Việt Nam tập trung ở các vùng nông thôn và các tỉnh. Cả nước chỉ có 38 bệnh viện tuyến trung ương. Thực trạng bệnh nhân vượt tuyến chiếm tỷ lệ tới 82% đã và đang gây nên tình trạng quá tải tại những bệnh viện tuyến trung ương. Do đó, ứng dụng AMAZ Care ra đời với mục đích hoàn thiện hệ thống dữ liệu để đưa các mô hình chăm sóc sức khỏe đến với mọi người, có đầy đủ dữ liệu sức khỏe để bác sĩ sàng lọc bệnh nhân, dễ dàng trong chẩn đoán và khám chữa bệnh.

Hiện nay, nền tảng công nghệ eDoctor có hơn 130 đối tác là các phòng khám và bệnh viện ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương. Ứng dụng eDoctor cũng có hơn 1.000 bác sĩ, hơn 600 điều dưỡng viên trên khắp cả nước thường xuyên kết nối và tham gia cung cấp dịch vụ hàng ngày cho người dùng… Hiện có hơn 300.000 người dùng đã cài đặt và sử dụng eDoctor. Ông Vũ Thái Hà, Giám đốc vận hành của eDoctor, nhấn mạnh, nguồn lực xã hội đã được huy động hiệu quả để đẩy nhanh quá trình số hóa trong hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân, hướng đến nền y tế thông minh để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế từ xa và tại nhà, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế.

Theo Bộ Y tế, sự phát triển của các ứng dụng y tế là một phần của chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 về phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp công nghệ đã góp phần quan trọng trong việc cụ thể hóa những chủ trương, chính sách thành những giải pháp, ứng dụng thiết thực phục vụ người dân.

Tin cùng chuyên mục