Chỉ trong tuần qua, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 20 trẻ bị bỏng do người lớn bất cẩn. Hầu hết đều là các ca nặng, thậm chí có cả tử vong, có những trường hợp không được sơ cứu thích hợp, chăm sóc tại nhà không đúng làm vết bỏng sâu hơn, trở thành nặng hơn kèm biến chứng nhiễm trùng nặng.
Điển hình là trường hợp bé T.B.L. (15 tháng tuổi, ngụ tại Long An), nhập viện ngày 17-1 do bỏng nước sôi độ 2-3, diện tích phỏng khoảng 7%. Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, mẹ bé đang chuẩn bị pha nước nóng tắm cho bé và đặt ấm nước cạnh chiếc lu gần đó thì bé L. đang tập đi đã đá phải ấm nước vừa sôi dẫn đến bỏng hai chân.
Cũng bị bỏng nước sôi như bé L., bé trai C.M.Đ. (1 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) được người nhà đưa vào cấp cứu tại BV Nhi đồng 1 trong tình trạng bỏng cấp độ 2-3 với diện tích bỏng lên đến 23% và đang được theo dõi đặc biệt. Tại đây cũng đang điều trị tích cực cho bé gái H.T.H.Y. (10 tuổi, quê Quảng Trị, tạm trú tại TPHCM). Thông tin ban đầu từ người nhà cho biết, ba bé hút thuốc, tàn thuốc rơi làm bình gas phát nổ khiến cả hai cha con đều bị thương. Bé Y. được đưa vào BV Nhi đồng 1 trong tình trạng bỏng lửa gas độ 3, diện tích phỏng lên tới trên 80% bề mặt da, trong đó có bỏng hô hấp và sốc bỏng. Bác sĩ cho biết tình trạng bé rất nặng, tiên lượng xấu. Người cha cũng bị bỏng nặng đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo Th.S Diệp Quế Trinh, Khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình (BV Nhi đồng 1), vào dịp cận tết số trẻ bị bỏng thường tăng khoảng 10%, chủ yếu là những ca bỏng nặng như: ngã vào nồi nước sôi đang luộc gà vịt, nồi lẩu, nồi bánh chưng, bánh tét. Thương tâm nhất là trường hợp bé trai 28 tháng tuổi tạm trú tại TP Tân An (tỉnh Long An). Bé là người dân tộc thiểu số (quê Cà Mau), cùng cha mẹ rời quê nhà đi làm xa.
Tại TP Tân An, bé cùng các bé lớn trong xóm gom rác lại thành đống để đốt, một bình chứa xăng cũ ở bên trong bất ngờ phựt lên gây nổ khiến bệnh nhi bị bỏng nặng, gia đình hốt hoảng đưa bé nhập viện vào ngày 15-1.
“Bé được đưa đến BV và chúng tôi đã hết lòng cứu chữa, nhưng do diện tích phỏng lên tới hơn 95% diện tích cơ thể, hơn nữa vết bỏng cứng bì hết rồi, nên chỉ sau gần một ngày điều trị, bé không qua khỏi”, bác sĩ Diệp Quế Trinh buồn bã kể.
Theo bác sĩ Diệp Quế Trinh, đa số các ca bỏng xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi, là lứa tuổi rất hiếu động, tò mò khám phá và bé trai bị nhiều hơn bé gái. Các ca bỏng thường xảy ra tại nhà, ở bếp, do người lớn bất cẩn, vô ý để tác nhân gây bỏng như nước sôi, dầu ăn, cháo nóng, bàn ủi, hóa chất, pô xe... trong tầm với của trẻ. Nhất là trong giai đoạn trước và sau tết, nhiều gia đình nấu bánh bằng củi, than đã sơ ý không dập tắt hoàn toàn khiến bé giẫm chân, ngã vào đống than còn nóng. Những trường hợp này thường bỏng rất sâu, có khả năng phải đoạn chi.
Hầu hết trẻ bị tai nạn nhập viện đều được người lớn sơ cứu trước khi nhập viện cấp cứu, nhưng không ít trường hợp trẻ nặng hơn do phụ huynh sơ cứu không đúng cách. Nhiều trẻ bị biến chứng và nhiễm trùng nặng vì sơ cứu sai.
Khi trẻ bị bỏng, việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là chặn đứng tác hại của nhiệt. Làm nguội vết thương bằng nước mát sạch để giúp giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương. Tốt nhất là ngâm ngay phần bị bỏng của cơ thể vào nước mát sạch, dội nước mát sạch lên đó vài lần, hoặc cho nước vòi chảy lên. “Không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Nếu bỏng nhẹ (độ 1, 2) thường được chăm sóc tại nhà. Trường hợp bỏng nặng (độ 3), mức độ tổn thương sâu nên cần đến ngay cơ sở y tế. Trường hợp vết bỏng nằm ở những chỗ dễ đụng chạm, có thể dùng một băng vải đắp lên nhằm tránh sự đụng chạm gây đau đớn. Tuyệt đối không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng… lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương”, bác sĩ Trinh khuyến cáo. |