Ăn miếng trả miếng
EC dự kiến công bố danh sách này vào ngày 17-4, đồng thời sẽ bắt đầu một quá trình tham vấn công khai, sau đó danh sách này có thể được điều chỉnh. Theo Fiancial Times, hàng hóa của Mỹ trong danh sách bị EU nhắm áp thuế bao gồm cá tuyết và cá hồi đông lạnh, mận, xoài, lê, sáp ong, bàn trong các sòng bạc, máy kéo và phụ tùng xe hơi. Trước đó, hôm 9-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế đối với một số sản phẩm của Liên minh châu Âu (EU) với tổng giá trị 11 tỷ USD với cáo buộc châu Âu trợ cấp không công bằng cho nhà sản xuất máy bay Airbus.
Phát biểu sau cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định EU sẵn sàng đáp trả mọi biện pháp áp thuế phi lý của Mỹ liên quan đến tranh cãi khối này trợ giá cho Airbus. Tuy nhiên, ông Le Maire cũng thừa nhận rằng những “đòn ăn miếng trả miếng” này đều tác động xấu đến sự tăng trưởng và thịnh vượng cho Mỹ và EU. Theo ông, hai bên cần cùng tìm kiếm một thỏa thuận hòa giải nhằm giải quyết tranh cãi kéo dài nhiều năm liên quan đến Boeing và Airbus dựa trên nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuần tới, EU dự kiến sẽ bật đèn xanh cho việc bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại chính thức với Mỹ nhằm thuyết phục nước này loại bỏ thuế đối với hàng hóa công nghiệp của EU và giảm bớt căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Hôm 9-4, ông Le Maire, người đang tham dự Hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington (Mỹ), đã đề xuất về một giải pháp mang tính hòa giải, và đã có cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow.
Cuộc chiến giữa Boeing và Airbus
Các biện pháp áp thuế của EU đề xuất liên quan đến khiếu nại của khối này lên WTO về việc Mỹ trợ cấp cho hãng chế tạo máy bay Boeing, vốn là một đối thủ của Airbus. Các trọng tài viên của WTO hiện đang xác định số tiền cuối cùng của các biện pháp đối kháng theo từng trường hợp. EC cho biết đã bắt đầu chuẩn bị các biện pháp đáp trả trong vụ kiện với Boeing, song cơ quan này vẫn để ngỏ khả năng mở các cuộc đàm phán với phía Mỹ, miễn là không có điều kiện tiên quyết kèm theo, nhằm đạt được một kết quả công bằng.
Một quyết định cuối cùng của WTO đối với Airbus và Boeing dự kiến được đưa ra vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay. Cả Brussels và Washington đang chờ các trọng tài viên của WTO đưa ra các đánh giá về doanh số thiệt hại và các thiệt hại khác mà hai công ty hàng không vũ trụ này phải gánh chịu do các hành động của phía bên kia.
Các nhà ngoại giao EU lo ngại rằng cuộc chiến của WTO đối với Boeing và Airbus có thể gây ra thêm căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắm mục tiêu thép nhập khẩu của châu Âu, dẫn đến các biện pháp đối phó của EU và liên tục đe dọa sẽ tấn công ngành ô tô châu Âu, một động thái sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại bên ngoài sự điều chỉnh của WTO.