Phản ứng trước quyết định này, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo, nếu Mỹ không sửa chữa sai lầm của mình, Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ những lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc. Thêm bất lợi cho Trung Quốc khi Canada cũng quyết định dừng đàm phán FTA với nước này.
Canada dừng đàm phán FTA với Trung Quốc
Ngoại trưởng Canada Francois - Philippe Champagne thông báo, nước này đã rút khỏi các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, trong bối cảnh mối quan hệ song phương đi xuống (sau khi Ottawa bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei - bà Mạnh Vãn Chu; Bắc Kinh trả đũa với việc giam giữ 2 công dân Canada với cáo buộc hoạt động gián điệp).
Trả lời phỏng vấn báo Globe and Mail, Ngoại trưởng Champagne cho rằng, toàn bộ những sáng kiến và chính sách được thực hiện ở thời điểm năm 2016 với Trung Quốc cần được xem xét lại.
Những bình luận của ông Champagne cho thấy quan điểm cứng rắn hơn của Ottawa đối với Trung Quốc sau những nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu mối quan hệ song phương đã thất bại.
Quyết định dừng đàm phán FTA với Trung Quốc ghi dấu một bước đảo chiều về chính sách của chính phủ Thủ tướng Justin Trudeau, vốn từng đặt mục tiêu đưa Canada trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm 7 nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7) ký kết FTA với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong chiến lược xoay trục thương mại sang châu Á để cân đối tầm ảnh hưởng với Mỹ.
Khi các cuộc đàm phán về FTA bị đình trệ trong hơn một năm qua, giới quan sát từng nghi ngờ một trong những lý do xuất phát từ Washington. Trong vụ việc liên quan đến số phận của bà Mạnh Vãn Chu, Canada bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi kinh tế thế giới đang chao đảo do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì điều khoản “nếu một trong các đối tác tham gia một thỏa thuận thương mại tự do với một nước “phi thị trường” (ám chỉ Trung Quốc), các nước còn lại có thể rút lại thỏa thuận trong vòng 6 tháng sau đó” trong Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) đã khiến Canada lo ngại có thể bị Mỹ tận dụng để gây sức ép tiếp theo.
Đơn kiện của TikTok
Ngày 19-9, Trung Quốc thông báo đã chính thức áp dụng cơ chế giúp nước này hạn chế các thực thể không đáng tin cậy của nước ngoài, một động thái mà giới phân tích cho là đòn trả đũa của Bắc Kinh sau khi Mỹ đã dùng danh sách thực thể không đáng tin cậy của mình để cấm tập đoàn Huawei tham gia thị trường nước này, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia.
Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc không đề cập tới bất kỳ thực thể nước ngoài cụ thể nào, song nêu rõ Trung Quốc sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể “làm tổn hại tới chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích phát triển” hoặc vi phạm “các quy định thương mại, kinh tế được cộng đồng quốc tế chấp nhận”.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã kiên quyết phản đối quyết định cấm phân phối, duy trì WeChat hoặc TikTok trên các gian hàng ứng dụng trực tuyến tại Mỹ từ ngày 20-9 vì các ứng dụng này được cho là “đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ”. Bắc Kinh tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ những lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Trong một diễn biến có liên quan, hãng tin Bloomberg ngày 19-9 cho biết, TikTok đã đề nghị một thẩm phán Mỹ chặn lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với mạng truyền thông xã hội này của Trung Quốc.
Thông tin cho hay, TikTok và công ty mẹ là ByteDance Ltd., đã nộp đơn khiếu nại lên tòa án liên bang Washington vào tối 18-9 thách thức sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump. Bloomberg trích dẫn đơn khiếu nại cho rằng, ông Trump đã vượt quá quyền hạn của mình khi cấm ứng dụng này; đồng thời cho đây là lý do chính trị hơn là nhằm ngăn chặn một “mối đe dọa bất thường” đối với Mỹ, như luật pháp yêu cầu.