Gia tăng tính cạnh tranh từ sản xuất xanh

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, đồng thời là mũi nhọn về xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của doanh nghiệp (DN) dệt may hiện nay là phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu, dẫn đến chi phí sản xuất luôn ở mức cao, lợi nhuận thu được không nhiều. 

  

Do đó, đầu tư trang thiết bị công nghệ để giảm chi phí đầu vào và giảm phát thải đầu ra, được xem là biện pháp cấp bách đối với DN dệt may hiện nay. 
Gia tăng tính cạnh tranh từ sản xuất xanh ảnh 1 Các doanh nghiệp dệt may cần đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại         Ảnh: THÀNH TRÍ
 Mỗi năm tốn 3 tỷ USD chi phí năng lượng

Một nghiên cứu của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) cho thấy, chi phí năng lượng đang chiếm khoảng 15% tổng chi phí sản xuất của DN và mỗi năm, ngành dệt may tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD cho chi phí này. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá thành sản xuất của các DN dệt may Việt Nam cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, ngành công nghiệp dệt may thế giới hiện đang phát triển rất mạnh khi sử dụng công nghệ xanh, sạch, năng lượng tái tạo đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Việc sử dụng năng lượng trong ngành dệt may ở Việt Nam chưa thực sự hiệu quả và tiết kiệm. Để làm ra một giá trị sản phẩm như nhau, các DN Việt Nam phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5 - 1,7 lần so với các DN của Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia. Để nhuộm 1 tấn vải, DN nước ta phải sử dụng từ 50 - 70m3 nước, gấp 3 lần ở Nhật Bản. Không chỉ vậy, ngành dệt may Việt Nam còn phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm của các nước khác trong bối cảnh khách hàng không chỉ đòi hỏi về chất lượng, giá bán, thời gian giao hàng, mà còn đưa ra yêu cầu cao hơn về điều kiện bảo vệ môi trường khi ký các đơn hàng xuất nhập khẩu.

Nhìn nhận về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết dệt may đang có xu hướng phát triển thời trang nhanh (Fast Fashion) để phù hợp với xu thế của thế giới; tuy nhiên, mặt trái của xu hướng thời trang nhanh chính là vấn đề về môi trường. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai phân tích, đơn hàng nhiều và nhanh trong thời gian ngắn, đòi hỏi dệt may phải sử dụng khối lượng lớn vải, sợi, hóa chất. Vì đặc trưng của ngành này với các bước sản xuất cơ bản như kéo sợi, dệt vải, nhuộm  tiêu thụ nhiều nước, phát sinh nhiều chất thải… là những yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường. Đây thực sự là bài toán khó đối với dệt may hiện nay; đặc biệt, khi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại yự do thì yếu tố về môi trường được xem rất quan trọng nhất. Theo quy định, khi gia nhập TPP, mỗi bên phải thực thi hiệu quả, nghiêm túc pháp luật về môi trường, không gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các bên. Nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, khí thải, nước thải…, các DN trong ngành này khó tránh những rủi ro. 

Buộc phải thay đổi công nghệ 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá thành sản xuất hiện là điểm yếu của DN dệt may Việt Nam. Một phần do phần lớn DN dệt may trong nước có quy mô nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn chế nên vẫn duy trì hệ thống công nghệ sản xuất cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng. Hiện 50% thiết bị ngành dệt, nhuộm là máy móc đã cũ, ra đời từ trước năm 1996. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tới rất gần, việc ứng dụng công nghệ tự động, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất là yêu cầu bắt buộc. DN dệt may có nhiều dòng sản phẩm và công đoạn sản xuất, tiêu thụ nhiều dạng năng lượng như than, khí nén, trong đó chủ yếu là điện năng. Bộ Công thương cũng từng đánh giá, việc áp dụng công nghệ phát thải thấp, tiết kiệm năng lượng có thể giúp giảm 30% chi phí. Đồng nghĩa, mỗi năm ngành dệt may Việt Nam có thể giảm 1 tỷ USD chi phí năng lượng, nhờ đó sẽ tăng đáng kể hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh trên thị trường, đem lại hiệu quả lâu dài cho các DN. Bảo đảm được môi trường an toàn cho người lao động và doanh thu của DN cũng từ đó tăng lên.

Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết quá trình hội nhập ngày càng sâu và toàn diện đem đến các cơ hội phát triển thị trường, xây dựng chuỗi giá trị cho các DN dệt may Việt Nam, nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn. Mức độ cạnh tranh dự báo sẽ gay gắt hơn trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ và công nghệ thông tin tạo ra những thay đổi nhanh chóng về phương thức sản xuất và cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng. DN trong lĩnh vực dệt may muốn tồn tại, chỉ còn con đường là đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ hiện đại để giảm chi phí đầu vào và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của đối tác, bạn hàng. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết thêm, để có thể giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh, một mặt Nhà nước phải tạo điều kiện cho DN phối hợp với các nhà khoa học, tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ; có sự thống nhất về quản lý nhà nước tại các bộ, ngành liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Mặt khác, các DN trong nước cần thay đổi tư duy về sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang cận kề. Trong đó, thay đổi công nghệ để tiết kiệm tối đa chi phí là yêu cầu cấp bách đối với DN dệt may trong bối cảnh hiện nay.  

Tin cùng chuyên mục