Theo đó, 6 tháng đầu năm 2019 lượng than đá nhập khẩu tăng tới 99,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 20,64 triệu tấn, kim ngạch cũng tăng 64,8%, trị giá trên 1,99 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu than của Việt Nam chỉ đạt 402.236 tấn, tương đương 61,85 triệu USD, giảm rất mạnh 65,2% về lượng và giảm 59,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, nhóm hàng than đá nhập siêu 1,93 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước, năm 2020, Việt Nam có tổng công suất các nhà máy điện đạt 75.000MW, trong đó nhà máy nhiệt điện than chiếm 48% tổng công suất.
Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phải đạt 146.800MW và tỷ trọng của nhà máy nhiệt điện than được nâng lên 51,6%, với tổng công suất lên đến gần 76.000MW, lớn hơn tổng công suất toàn bộ các nhà máy điện của Việt Nam vào năm 2020.
Trong khi đó, theo quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030, nhu cầu than dành cho nhiệt điện là 64,1 triệu tấn vào năm 2020 và lên đến 131,1 triệu tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, cũng trong quy hoạch này, sản lượng khai thác than trong nước được tính toán chỉ đạt 47 - 50 triệu tấn vào năm 2020 và 55 - 57 triệu tấn vào năm 2030.
Trong khi đó, nguồn than khai thác còn phải dành cho nhiều lĩnh vực khác như luyện kim, xi măng, phân bón, hóa chất và các đối tượng tiêu thụ khác.
Riêng các nhóm đối tượng trên cũng ước tính cần 25,5 triệu tấn than vào năm 2030.
Như vậy, có thể thấy, tổng nhu cầu sản lượng than cả nước vào năm 2030 lên đến gần 157 triệu tấn, trong khi năng lực khai thác trong nước chỉ được tối đa 57 triệu tấn, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải tiếp tục nhập khẩu tới 100 triệu tấn than vào năm 2030.