Cứu nguy tài chính
Trong thư, các tổ chức đề nghị IMF phân bổ SDR - một dạng tiền dự trữ quốc tế do IMF tạo ra vào năm 1969, có vai trò bổ sung cho dự trữ tiền của các quốc gia thành viên. Đây là lần thứ 2 chỉ trong hơn 1 năm các tổ chức đưa ra đề nghị trên trong bối cảnh giới chức tài chính toàn cầu chuẩn bị tham gia cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, Mỹ. Theo các tổ chức, các nước cần có thêm tài chính do đang phải vật lộn để đối phó với các tác động của đại dịch Covid-19, giá lương thực và năng lượng leo thang do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khủng hoảng khí hậu và nợ.
SDR là một tài sản dự trữ quốc tế có lãi suất được IMF tạo ra năm 1969 để bổ sung cho các tài sản dự trữ khác của các nước thành viên, được dùng như một đơn vị hạch toán của IMF và một số tổ chức quốc tế khác. Dù không phải là một loại tiền tệ, nhưng nó có thể đổi lấy những đồng tiền tự do sử dụng của các nước thành viên IMF trên thị trường tự nguyện mua bán, hoặc IMF có thể chỉ định các nước thành viên mua của các nước thành viên khác.
Mục tiêu chung của phân bổ SDR là bổ sung các tài sản dự trữ hiện có của các quốc gia nhằm giúp đáp ứng nhu cầu thanh toán cho các mục đích khác nhau, nhất là các kế hoạch dài hạn. Điều này tăng cường vùng đệm và củng cố khả năng phục hồi kinh tế quốc tế trước những tác động tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, rủi ro thiên tai, dịch bệnh... Bằng cách giúp ổn định các quốc gia dễ bị tổn thương, phân bổ SDR có thể giúp giảm thiểu rủi ro về kinh tế và xã hội, tác động lan tỏa và tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính - tiền tệ quốc tế.
Hồi tháng 8 năm ngoái, IMF đã thông qua việc phân bổ SDR lớn nhất lịch sử, với tổng trị giá 650 tỷ USD, nhằm hỗ trợ các nước thành viên phục hồi sau những tác động của đại dịch Covid-19. Thống kê cho thấy khoảng 42 nước đã đổi SDR để lấy số tiền trị giá 16 tỷ USD và 69 nước sử dụng SDR trị giá 80 tỷ USD trong ngân sách hoặc cho các mục đích tài chính khác.
Ổn định bằng mọi giá
Trước thềm hội nghị thường niên của IMF và WB diễn ra vào tuần tới, bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc IMF, cho rằng các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cần hành động phối hợp nhằm ngăn chặn “điều bình thường mới nguy hiểm”, trong bối cảnh nguy cơ suy thoái toàn cầu đang dâng cao do các cú sốc kinh tế liên tiếp. Điều quan trọng hiện nay là phải “ổn định nền kinh tế toàn cầu bằng cách giải quyết những thách thức cấp bách nhất”, trong đó có tình trạng lạm phát. Chỉ chưa đầy 3 năm, thế giới chứng kiến hết cú sốc này đến cú sốc khác. Nguồn cung toàn cầu gặp khó khăn cũng đang là thách thức đối với nền kinh tế thế giới trong bối cảnh nhu cầu tăng cao sau những tác động của đại dịch, đẩy lạm phát leo thang trên toàn thế giới.
Bà K.Georgieva cho biết thể chế tài chính toàn cầu này có kế hoạch tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 tại hội nghị thường niên tuần tới.
Cùng lúc này, 2 trong số các thành viên của Ban Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) là bà Lisa Cook và ông Christopher Waller cho biết nước Mỹ sẽ cần tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất cơ bản nữa nhằm hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế giá cả tăng cao.
Bà Lisa Cook nhấn mạnh rằng lạm phát hiện vẫn ở mức rất cao và dữ liệu trong những tháng qua cho thấy áp lực lạm phát gây ra tác động trên diện rộng.
Ông Christopher Waller thừa nhận chưa có sự tiến triển trong nỗ lực kiềm chế lạm phát của FED và ông cũng để ngỏ khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 11 và 12 tới, thậm chí dự báo có thể có thêm các đợt điều chỉnh tương tự vào đầu năm 2023.