Gia tăng ngộ độc
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai những ngày giáp Tết Nguyên đán, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu trong tình trạng nặng. Sau bữa nhậu tất niên với bạn bè, anh N.C.Q. (28 tuổi, ở Nam Định) về nhà trong tình trạng mệt mỏi, say xỉn, khó thở nên được người thân đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu nhưng sức khỏe không tiến triển nên đã được chuyển lên cấp cứu tại Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê.
Tại đây, sau khi thăm khám, xét nghiệm nồng độ Methanol trong máu là 103mg/ml, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân Q. bị ngộ độc Methanol, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Dù bệnh nhân Q. đã được cho thở máy và lọc máu liên tục nhưng vẫn hôn mê sâu, mất hết phản xạ, biến chứng xuất huyết não lớn, khó qua khỏi nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà.
Trường hợp khác là một nam thanh niên 32 tuổi ở Hà Nội được đưa vào cấp cứu trong tình trạng rối loạn ý thức vì uống tới hơn 1 lít rượu trắng trong bữa liên hoan cuối năm. Dù đã được điều trị tích cực nhưng sức khỏe của nam thanh niên này vẫn nguy kịch, phải lọc máu và thở máy.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, số người bị ngộ độc rượu vào cấp cứu thường gia tăng đáng kể. Với trường hợp của bệnh nhân Q. có nồng độ Methanol trong máu cao gấp 5 lần chỉ số gây ngộ độc nên rất nặng. Đáng lo ngại, phần lớn bệnh nhân bị ngộ độc rượu trong độ tuổi lao động, với nhiều ca ngộ độc cấp tính dẫn tới hôn mê, toan chuyển hóa, nhiễm độc máu. Nguyên nhân ngộ độc chủ yếu do uống nhiều rượu, uống rượu có pha cồn công nghiệp Methanol, rượu không rõ nguồn gốc, rượu giả, hoặc rượu ngâm các loại cỏ, cây có chứa độc tố tự nhiên. Thậm chí, cũng có trường hợp uống nhiều rượu, bia đạt chuẩn cũng bị ngộ độc hoặc tổn thương gan vì uống quá nhiều. “Không có loại rượu bia nào là an toàn với người uống nếu như lạm dụng uống quá nhiều thì đều gây nguy hại tới sức khỏe, thậm chí tính mạng”, TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Tử vong và di chứng rất cao
Trong số các trường hợp bị ngộ độc vẫn chủ yếu là do rượu chứa Methanol với hàm lượng rất cao. Chất Methanol khi vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày, các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Lúc đó, bệnh nhân có dấu hiệu hôn mê, trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và nguy cơ cao tử vong. Trường hợp cứu sống được thì người bệnh cũng bị những di chứng nghiêm trọng, dẫn tới mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình. “Mặc dù được điều trị tích cực, nhưng tỷ lệ tử vong do ngộ độc rượu Methanol chiếm 30%-50%. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng nặng nề”, TS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), rượu có thành phần chính là Ethanol, với công thức hóa học C2H5OH, trong khi rượu Methanol có công thức hóa học CH3OH. 2 loại rượu này đều được lên men và chưng cất. Tuy nhiên, nếu như rượu Ethanol lên men từ tinh bột hoặc đường thì rượu Methanol lại lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Trong khi đó, Methanol có trong rượu là một chất cực độc và chất này thường được sử dụng trong đời sống để làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, mực in máy photo.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu Ethanol trong thời gian ngắn hoặc do uống rượu có độc chất Methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ gây tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm, như: nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong.
Rượu chứa Methanol dễ gây ngộ độc hơn vì sản phẩm chuyển hóa của Methanol là acid formic rất độc. Người bị ngộ độc rượu sẽ có các triệu chứng, như: da hơi xanh, hoặc tím đặc biệt vùng xung quanh môi và móng tay; lú lẫn, phản ứng chậm, không thể đi lại; khó khăn trong việc duy trì ý thức; nói không rõ, nói ngọng; nôn mửa; thở chậm, thở không đều. Do đó, khi phát hiện người có các triệu chứng như trên, cần đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nặng xảy ra.