Nhu cầu làm đẹp
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Mintel, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tỷ suất tăng trưởng nhanh trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Doanh thu trên thị trường mỹ phẩm năm 2018 đã đạt mức 2,35 tỷ USD. Với con số này, có thể thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng Việt đang ngày một gia tăng.
Tiếp đó, một báo cáo mới nhất được đưa ra bởi Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me cũng cho thấy, với mức sống được nâng cao, ngày càng nhiều phụ nữ Việt sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm để chăm sóc sắc đẹp như một nhu cầu thiết yếu.
Đây là yếu tố cốt lõi mang đến sự hấp dẫn của thị trường mỹ phẩm trang điểm ở Việt Nam. Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me đánh giá, việc sử dụng các sản phẩm trang điểm tại thị trường Việt Nam vẫn không ngừng tăng lên cả về mức độ thường xuyên sử dụng và chi tiêu cho hạng mục này.
Công ty Asia Plus cũng khảo sát việc sử dụng mỹ phẩm trang điểm của gần 500 phụ nữ trong độ tuổi 16 - 39 trên toàn quốc, cho thấy trong 3 năm gần đây, số lượng phụ nữ có trang điểm tăng từ 76% lên 86%; đồng thời, số người trang điểm thường xuyên (ít nhất 4 lần/tuần) cũng tăng từ 35% lên 39%.
Số người trang điểm hàng ngày tăng lên ở con số 30% và số người hoàn toàn không trang điểm giảm từ 24% (năm 2016) xuống 14% (năm 2019). Những sản phẩm trang điểm được dùng phổ biến nhất là son môi, kem nền và phấn má hồng.
Cũng theo khảo sát trên, có tới 73% người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm chăm sóc da ít nhất một lần/tuần và thậm chí dùng thường xuyên hơn. Các sản phẩm chăm sóc da phổ thông nhất được mọi người sử dụng là sữa rửa mặt, kem chống nắng và mặt nạ dưỡng da mặt.
Chính việc gia tăng tần suất sử dụng các sản phẩm hóa mỹ phẩm đang tạo nên dư địa vô cùng lớn cho các doanh nghiệp trong ngành này. Hiệp hội Mỹ phẩm, hương liệu và tinh dầu Việt Nam cũng nhận định, hiện thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam đang phát triển theo chiều hướng tăng rất nhiều so với thời điểm năm 2010, bởi người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu chú trọng làm đẹp. Với xu thế này, thời gian qua, các công ty trong nước như Mỹ phẩm Sài Gòn, Thorakao, Việt Hương… đã tăng đầu tư, phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Theo thống kê của Hiệp hội Mỹ phẩm, hương liệu và tinh dầu Việt Nam, hiện thị trường mỹ phẩm trong nước đang có 400 doanh nghiệp hoạt động, trong số này có 100 doanh nghiệp nước ngoài, song họ lại chiếm tới 90% doanh thu toàn ngành. Đây là một thách thức không nhỏ cho các thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân mỹ phẩm nội “đuối sức” trong cuộc đua giành thị phần, một doanh nghiệp phân phối mỹ phẩm nhận xét, các sản phẩm từ nước hoa, sữa rửa mặt… cho tới dầu gội đầu của một số thương hiệu được cho là có tiếng như Thorakao, Mỹ phẩm Sài Gòn, Việt Hương… thực tế chất lượng rất tốt, nhưng yếu ở khâu quảng bá hình ảnh, cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm quá sơ sài, dẫn tới việc nhận diện thương hiệu với người tiêu dùng chưa hiệu quả. Thêm vào đó, sản phẩm mỹ phẩm nội vẫn chủ yếu tập trung ở phân khúc bình dân nên giá trị mang lại chưa cao.
Để không bị bỏ lại phía sau
Trước xu hướng thị trường ngày càng thay đổi, người tiêu dùng chuộng các sản phẩm làm đẹp an toàn, việc nắm bắt thị hiếu khách hàng đang được các doanh nghiệp mỹ phẩm nội chú trọng nhiều hơn. Theo đó, các doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh phát triển thương hiệu chủ lực, thông qua việc mở rộng kênh phân phối và tăng cường hoạt động truyền thông.
Đặc biệt, dựa vào nguồn nguyên liệu lợi thế có trong nước, lại được chứng minh về công dụng từ xa xưa, các doanh nghiệp đã liên tục nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thị trường.
Song song đó, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn cơ cấu lại danh mục sản phẩm, như loại bỏ những sản phẩm không hiệu quả, phát triển các sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, sản phẩm hữu cơ.
Trường hợp điển hình cho xu hướng này có thể nhắc đến Công ty Lan Hảo, vốn sở hữu thương hiệu Thorakao. Doanh nghiệp này chọn hướng cạnh tranh bằng cách đưa ra các sản phẩm có thành phần tinh chất thiên nhiên như dầu gội bưởi, bồ kết, kem nghệ... theo cách người Việt hay dùng để chăm sóc cơ thể.
Nhà sản xuất này cam kết sử dụng đúng tinh chất bưởi, bồ kết, nghệ… từ thiên nhiên làm sản phẩm chứ không dùng hóa chất thay thế; đồng thời có giá cả hợp lý, ổn định để người sử dụng tin dùng.
Cùng với đó, hệ thống phân phối bán lẻ trong nước cũng đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm nội tiếp cận người tiêu dùng. Nhiều khu vực quầy kệ đã được ưu tiên dành trưng bày hàng Việt.
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho hay, mỹ phẩm Việt Nam đang có lợi thế phát triển rất lớn bởi có nguồn gốc hữu cơ, tự nhiên. Nguyên liệu sản xuất dòng mỹ phẩm hữu cơ Việt Nam rất phong phú và đa dạng như dừa, bưởi, bồ kết, hà thủ ô…
Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của hệ thống bán lẻ nội địa, doanh nghiệp cần có hướng đi nâng tầm cho sản phẩm. Theo đó, ngoài khai thác phân khúc bình dân, nhất thiết phải nâng cấp sản phẩm để khai thác phân khúc trung và cao cấp hơn, qua đó, gia tăng hơn về mặt giá trị.
Có thể thấy, trước xu hướng người tiêu dùng luôn tìm đến những sản phẩm có cá tính riêng, chất lượng và bảo vệ sức khỏe, doanh nghiệp Việt Nam cần đưa nét đặc trưng trong văn hóa vào sản phẩm, chú trọng yếu tố an toàn cho người sử dụng. Khi đã thực hiện tốt bước đi này, chắc chắn người tiêu dùng sẽ có thiện cảm và tìm đến sản phẩm Việt nhiều hơn.