Gia tăng cơ hội mở rộng thị phần cho Doanh nghiệp xanh

Chuyển đổi sản xuất xanh không còn là lựa chọn của doanh nghiệp mà là con đường bắt buộc doanh nghiệp phải đi để hòa nhập vào xu hướng thương mại xanh toàn cầu. Để hiểu rõ hơn về tính tất yếu phải “bắt nhịp xu hướng xanh”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, kiểm tra hàng hóa
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, kiểm tra hàng hóa

PHÓNG VIÊN: Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng thương mại xanh hiện nay?

* Ông NGUYỄN ANH ĐỨC: Mục tiêu tổng quát của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam là tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Gần đây nhất, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một đề án quan trọng liên quan trực tiếp đến chủ đề “Xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững”. Đây cũng là chương trình hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Từ những quyết sách trên, thời gian qua, các cơ quan chức năng liên quan đã ban hành các chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Hòa chung dòng chảy đó, nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng trên và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững, không chỉ tại thị trường trong nước mà góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thống kê từ Bộ Công thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15%/năm trong giai đoạn 2021-2023. 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ có ở các phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc khách hàng.

Xu hướng thương mại xanh sẽ tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp?

* Tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời, đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Có thể nói, xu hướng phát triển xanh đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới.

Thực tế từ góc độ ngành bán lẻ tiêu dùng, các hệ thống bán lẻ nói chung và Saigon Co.op nói riêng đã xác định rõ mục tiêu phát triển hệ thống theo hướng tiêu dùng bền vững. Cụ thể, trong kinh doanh, Saigon Co.op đã sử dụng 100% túi tự hủy sinh học, túi tái sử dụng nhiều lần; thay thế các sản phẩm như ống hút nhựa, muỗng nhựa… trên kệ hàng bằng sản phẩm có nguồn gốc từ bã mía, giấy, gạo hay các dạng nguyên liệu thân thiện môi trường; vận động nhà cung cấp, đối tác chuyển đổi sản xuất xanh; khuyến khích khách hàng tiêu dùng xanh qua các chương trình khuyến mãi. Saigon Co.op còn chủ động thực hiện, cũng như phối hợp tích cực với cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phát động chương trình vì Trái đất…

Để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường, không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế.

Là nhà bán lẻ thuần Việt lớn nhất Việt Nam, Saigon Co.op đã có những giải pháp nào để nhà cung ứng doanh nghiệp xanh mở rộng thị phần của mình tại thị trường trong nước và xuất khẩu thị trường nước ngoài?

* Saigon Co.op đã bắt tay hợp tác với các nhà cung ứng triển khai chiến lược “xanh” từ rất sớm. Từ năm 2010, Saigon Co.op đã cùng với Báo SGGP và các nhà cung ứng triển khai chương trình “Tiêu dùng xanh”. Cho đến nay, chương trình này đã duy trì qua 15 năm và phát huy hiệu quả mục tiêu đặt ra là tăng cường nhận diện sản phẩm xanh trong cộng đồng; cổ xúy và dẫn dắt thị trường hướng đến lối sống xanh, sản xuất xanh.

Hiện cùng với Báo SGGP và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM và các tổ chức liên quan, Saigon Co.op đã cùng các nhà cung ứng trong hệ thống đang thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nhằm góp phần mở rộng thị phần cho doanh nghiệp xanh. Đặc biệt, Saigon Co.op hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng hoàn thiện quy trình sản xuất, tiến tới đạt chứng nhận Doanh nghiệp xanh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu thị trường nước ngoài.

Thông qua hệ thống bán lẻ trải dài toàn quốc, Saigon Co.op tích cực tổ chức các chương trình kích cầu nhằm giới thiệu, đưa sản phẩm xanh đến tận tay người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, chúng tôi khuyến khích và có chính sách hỗ trợ giá bán, chấp nhận lợi nhuận thấp, ưu tiên như vị trí trưng bày, quầy, kệ ở vị trí bắt mắt dành tại siêu thị cho các doanh nghiệp xanh để khách hàng dễ tiếp cận.

Tin cùng chuyên mục