Cú sốc mới với chuỗi cung ứng?
Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 33 đơn vị sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc, trong đó có những công ty sản xuất linh kiện laser và dược phẩm, các phòng nghiên cứu của chính phủ và 2 trường đại học vào Danh sách các thực thể chưa được xác minh (UVL) với lý do không có khả năng xác minh các quyền sở hữu trí tuệ của họ. Các công ty Trung Quốc trong danh sách này phải cung cấp các tài liệu bổ sung và chịu các cuộc kiểm tra khác để giao dịch với các đối tác Mỹ.
Theo báo South China Morning Post, ông Zhou Mi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết, động thái này đã “tạo ra cú sốc mới đối với sự ổn định của chuỗi cung ứng”. Theo ông Zhou Mi, danh sách này sẽ ảnh hưởng xấu đến hợp tác kinh tế quốc tế trong tương lai và gây tổn hại đến lợi ích của tất cả các bên.
UVL, một trong nhiều danh sách do Bộ Thương mại Mỹ công bố, khác với Danh sách thực thể xác định nổi tiếng đã ban hành trước đó. Những cái tên mới trong UVL không phải là những thương hiệu nổi tiếng như SMIC hay Huawei, mà thuộc về một nhóm doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ mà Bắc Kinh đang dựa vào để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Mỹ. Chưa rõ các công ty này đang dựa vào các thành phần hoặc phần mềm của Mỹ ở mức độ nào để duy trì hoạt động sản xuất và nghiên cứu, nhưng rõ ràng là sau khi bị liệt vào danh sách UVL, khả năng tiếp cận thị trường Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Chưa có lối thoát
Việc sử dụng danh sách UVL cũng phản ánh mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc có thể trở nên căng thẳng hơn với các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại và tác động đến cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ diễn ra vào tháng 11-2022. Tờ China Daily của Trung Quốc trích lời ông Cui Fang, giáo sư tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế ở Bắc Kinh, cho rằng, Chính phủ Mỹ đã tổng quát hóa khái niệm an ninh quốc gia để gia tăng các hạn chế thương mại trong những năm gần đây. Do áp dụng UVL, các nhà đầu tư vào các công ty Trung Quốc có niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua đã vội vàng bán ồ ạt lượng cổ phiếu của họ, trong đó Wuxi Biologics giảm hơn 34%.
Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ với Trung Quốc dường như gây thiệt hại nhiều hơn cho Mỹ. Theo báo cáo của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Trung Quốc chỉ mua 57% trong tổng số 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ bổ sung của Mỹ theo thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” trong năm 2020-2021. Cam kết mua hàng là cốt lõi của thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” mà chính phủ của cựu Tổng thống Donald Trump đạt được với Trung Quốc. Thỏa thuận này được triển khai vào giữa tháng 2-2020, giúp chấm dứt những đe dọa leo thang áp thuế lẫn nhau.
Ngoài ra, nếu không có cuộc chiến thương mại do ông Donald Trump phát động và không có mức thuế bổ sung, giá trị xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sẽ lớn hơn 119 tỷ USD trong giai đoạn năm 2018-2021. Hơn nữa, thâm hụt thương mại hàng hóa năm 2021 của Mỹ với Trung Quốc tăng 45 tỷ USD (tương đương 14,5%), lên 355,3 tỷ USD. Đây là mức thâm hụt lớn nhất so với mức kỷ lục năm 2018 là 418,2 tỷ USD. Phòng Thương mại Mỹ cho biết, Nhà Trắng đang xem xét mở cuộc điều tra thuế quan mới và các lựa chọn khác nếu các cuộc đàm phán thương mại hiện tại với Trung Quốc không thuyết phục được Bắc Kinh đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận “Giai đoạn 1”.