Tiêm vaccine vẫn mắc bệnh
TP Hà Nội vừa ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên của năm 2024. Đó là một bệnh nhi nam (12 tuổi, ngụ huyện Phúc Thọ), nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, cứng gáy, đi lại loạng choạng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kết quả xét nghiệm dịch não tủy dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhi này đã tiêm 4 mũi vaccine phòng viêm não Nhật Bản, trong đó mũi cuối cùng vào tháng 6-2019.
Bác sĩ Đào Hữu Nam, Trưởng Khoa Điều trị tích cực (Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết, thông thường sau 3 mũi tiêm vaccine ngừa viêm não Nhật Bản ở 2 năm đầu đời thì trẻ cần được tiêm nhắc lại các mũi sau 3-5 năm đến khi đủ 16 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm nhắc lại rất rải rác do nhiều gia đình chủ quan hoặc quên. “Đa phần trẻ bị viêm não Nhật Bản nhập viện trong tình trạng rất nặng, sốt cao liên tục, co giật, hôn mê. Nếu phát hiện và điều trị muộn có thể gây tổn thương não, tổn thương không hồi phục gây di chứng rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh…”, bác sĩ Đào Hữu Nam cảnh báo.
Trong khi đó, từ đầu tháng 6 đến nay, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận hàng chục bệnh nhi viêm màng não. Số ca mắc hiện tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do thời tiết nóng ẩm, thay đổi thất thường, thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển mạnh và tấn công, nhất là với trẻ nhỏ.
Cùng thời điểm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đang điều trị cho 1 bệnh nhi 9 tuổi (ngụ tỉnh Đồng Tháp) mắc viêm não Nhật Bản. Bệnh nhi vẫn đang thở máy, tiền sử chưa tiêm chủng vaccine phòng bệnh. Ngoài ra, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cũng đang theo dõi 4 ca viêm não chưa rõ tác nhân. Theo BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), hiện nay muỗi sinh sôi nhiều ở vùng đồng quê vì đã qua mùa gặt. Viêm não Nhật Bản là bệnh lây truyền qua muỗi Culex (muỗi ruộng), do đó nguy cơ những người chưa được chủng ngừa hoặc không có biện pháp phòng ngừa muỗi chích dẫn đến mắc bệnh là khá cao.
Nguy cơ di chứng nặng nề
Mới đây, thôn Nà Lầu (xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) ghi nhận ổ dịch viêm màng não mô cầu trong một gia đình khiến 2 bà cháu và 2 người khác nhập viện. Trung tâm Y tế huyện Ba Bể điều tra dịch tễ và xác định có hơn 350 người ở địa phương tiếp xúc với các ca bệnh, nguy cơ dịch lan rộng rất cao nếu không có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ.
Theo TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), viêm não và viêm não Nhật Bản là bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ từ 2-8 tuổi; thời gian ủ bệnh là 4-14 ngày, trung bình là 1 tuần. Ở trẻ em, các triệu chứng ban đầu rõ rệt thường là đau bụng, nôn. Ngay trong 1-2 ngày đầu, người bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động; có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức.
“Mặc dù viêm não và viêm não Nhật Bản là bệnh rất nguy hiểm nhưng có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Ngay khi trẻ có các triệu chứng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, nôn trớ, cứng gáy, ù tai, sợ ánh sáng…, cha mẹ cần nghĩ ngay tới bệnh viêm não, đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám kịp thời”, TS Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh.
Theo BS-CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm não như do virus, vi khuẩn hay vi nấm, ký sinh trùng. Ngoài ra, người bệnh mắc sởi, thủy đậu… cũng có thể biến chứng sang viêm não. Viêm não Nhật Bản là bệnh thường gặp và có thể phòng ngừa bằng vaccine. Trường hợp đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh thì tình trạng sẽ nhẹ hơn, ít gây biến chứng nặng. Lý tưởng nhất là sau khi tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng viêm não Nhật Bản, cứ 3-5 năm tiêm nhắc lại một lần.
Để phòng ngừa bệnh viêm não, người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; ăn uống đủ chất dinh dưỡng; luyện tập, nâng cao thể trạng; thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc; chủ động tiêm vaccine phòng bệnh. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Theo các chuyên gia y tế, viêm màng não mô cầu có thể khiến người bệnh tử vong trong vòng 24 giờ và cần được cấp cứu khẩn cấp. 50% người bệnh tử vong nếu không được phát hiện và điều trị, hoặc dù được điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong vẫn có thể lên đến 15%.