Theo Bệnh viện Mắt trung ương, gần đây, số người tới khám các bệnh về mắt có chiều hướng tăng cao, với trung bình mỗi ngày khoảng 1.600 bệnh nhân, thậm chí có ngày lên tới gần 3.000 người bệnh, tăng gấp đôi so với trước đó.
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, phần lớn người bệnh tới khám, điều trị bệnh về mắt thời gian này là bị dị ứng, đau mắt đỏ và khô mắt. Nguyên nhân gây bệnh là do đang vào giai đoạn chuyển mùa nên thời tiết có sự pha trộn nồm ẩm của mùa xuân và nóng bức của mùa hè, cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi tại nhiều đô thị. Ngoài ra việc chọn thuốc mắt không an toàn hay sử dụng không đúng cách cũng là nguyên nhân làm gia tăng bệnh về mắt.
Các bác sĩ chuyên khoa mắt cảnh báo, vào giai đoạn những tháng đầu năm, nhiều người có nguy cơ cao mắc bệnh viêm kết mạc mùa xuân. Đó là lúc mắt bị ngứa, đỏ mắt, hay thậm chí chảy nước mắt kèm theo nhiều ghèn, thường tái phát.
Viêm kết mạc là một dạng bệnh về mắt gây ra do nhiễm khuẩn hay còn được gọi là bệnh đau mắt đỏ, gây khó chịu, đỏ mắt hay kích thích mắt. Đa số viêm kết mạc là do vi khuẩn gây ra.
Trong khi đó, viêm kết mạc mùa xuân lại là một dạng viêm do dị ứng. Vào mùa hè, không ít người lại mắc hội chứng khô mắt, với các biểu hiện: cay mắt, cảm giác buốt như kim châm, dụi mắt, chói mắt, có các vệt sáng qua mắt thất thường, trào nước mắt. Vì luôn cảm thấy khó chịu trong mắt nên những người bị khô mắt thường giảm tập trung công việc, giảm năng suất lao động.
Nếu không được điều trị, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nặng hơn, làm giảm thị lực và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh.
Theo bác sĩ Hoàng Cương, một số bệnh về mắt hay chấn thương mắt có thể để lại hậu quả nguy hiểm kéo dài. Để phòng ngừa các bệnh về mắt, mọi người cần thường xuyên có thói quen vệ sinh tay, mắt bằng nước sạch, cần ý thức rõ ràng làm sạch mắt là điều cần thiết, quan trọng để phòng bệnh. Khi bị bụi hoặc nước bẩn bắn vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, tránh lấy tay dụi mắt.
Hàng ngày, nên làm sạch mắt bằng cách nhỏ nước muối sinh lý 6-8 tiếng/lần, hoặc tối thiểu là 1 ngày 2 lần vào buổi sáng và tối, đây cũng là biện pháp rất hiệu quả phòng tránh khô mắt.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cảnh báo, hiện nay trên thị trường có khá nhiều sản phẩm nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo, thậm chí cả thuốc nhỏ mắt sản xuất thủ công, chất lượng không an toàn.
Vì vậy, người dân khi mắc bệnh về mắt, cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa, không tự kê đơn, tự mua thuốc điều trị nhằm phòng tránh biến chứng nguy hiểm.