Gia tăng áp lực lạm phát

Tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,52% so với tháng 12-2022 và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2022 - mức cao nhất kể từ tháng 3-2020.

Phân tích về vấn đề này, theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, áp lực lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2023. Về phía cầu, một trong những lý do quan trọng là Quốc hội đã quyết định tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%), có hiệu lực từ ngày 1-7. Bên cạnh đó là việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc cho một số đối tượng như: người hưởng lương hưu từ ngân sách nhà nước, cán bộ y tế cơ sở… Thông thường, khi lương cơ sở tăng, lạm phát cũng có xu hướng tăng, do tâm lý tăng lương gắn với tăng giá hàng tiêu dùng của một bộ phận người dân.

Về phía cung, mặc dù hàng hóa toàn cầu đã đạt đỉnh, nhưng tác động của việc đồng USD mạnh lên đối với nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn kéo dài đến quý 3; chi phí nợ cao hơn của doanh nghiệp so với cùng kỳ có thể được chuyển vào giá bán lẻ cho người dùng cuối. Mặt khác, Chính phủ đã quy định khung giá bán lẻ điện bình quân mức sàn và mức trần, với mức tăng tương ứng 13,7% và 28,2%. Mặt hàng này tăng giá được dự báo sẽ tác động lớn đến toàn xã hội. VNDIRECT dự báo, CPI bình quân quý 1 tăng ở mức 4,2%-4,6% so với cùng kỳ năm 2022; CPI cả năm tăng khoảng 3,8% - dưới mức mục tiêu của Chính phủ là 4,5%. Chất xúc tác giảm cho CPI năm 2023 có thể là nhu cầu thấp hơn dự kiến tại các thị trường phát triển trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Rủi ro tăng giá có thể là sự phục hồi nhu cầu mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc, làm thúc đẩy lạm phát toàn cầu tăng lên.

Theo PGS-TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô, giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân, lạm phát sẽ giảm dần và trong vòng khoảng 2-3 tháng tới, mức tăng còn khoảng 3%-3,5%. Lý do là sức cầu tiêu dùng của Việt Nam yếu, đến từ việc tăng trưởng kinh tế chậm lại, thu nhập của người dân sụt giảm; các thị trường giảm giá rất mạnh (bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu) làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm; mặt bằng lãi suất ở mức cao đã làm cho tiêu dùng đắt đỏ hơn và người dân sẽ tiết kiệm nhiều hơn; giá nguyên, vật liệu trên thế giới đã vượt đỉnh…

Một điểm đáng chú ý khác gây lo ngại trong tháng 1 là lạm phát cơ bản (loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý, bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tăng 5,21% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng này vượt xa mức trung bình thường thấy (tăng 2%-3%) và tương đương với mức lạm phát ở các nước phát triển. Áp lực tăng giá đối với nhiều loại hàng hóa dịch vụ cốt lõi (đặc biệt là giá thuê nhà - chiếm tỷ trọng lớn trong rổ lạm phát cơ bản) đã tăng mạnh từ quý 3-2022. Trên thực tế, những kịch bản lạm phát trong năm 2023 từ các cơ quan quản lý, nghiên cứu cũng có sự phân hóa (dao động từ 3,5% đến gần 5%) cho thấy, các yếu tố tác động đến lạm phát sẽ khó lường hơn rất nhiều và thậm chí mục tiêu khoảng 4,5% mà Chính phủ đưa ra cũng khá thách thức.

Tin cùng chuyên mục