Tuy nhiên, điều mà các tiểu thương quan tâm là giá thế nào, quyền “sở hữu” ra sao, được lợi gì khi ký hợp đồng mới.
Hơn 600.000 đồng/sạp/tháng
Đó là dự báo của UBND quận 5 khi trả lời chúng tôi về hợp đồng sử dụng quầy sạp của tiểu thương chợ An Đông sẽ được ký vào ngày 1-8 tới đây. Thời hạn hợp đồng là 10 năm. Tất cả theo quy định pháp luật hiện hành.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP nêu rõ, hình thức để giao kết với thương nhân được xác định tên gọi là “hợp đồng” và tuỳ theo tính chất sẽ được giao quyền sử dụng hoặc cho thuê.
Theo đó, các quy định pháp luật liên quan buộc tiểu thương phải trả 3 loại tiền khi sử dụng sạp, gồm: tiền thuê đất, tiền phí quản lý và tiền bảo trì sửa chữa (giống như phí dịch vụ và phí bảo trì ở các chung cư).
Giá phí quản lý đã được quy định cụ thể trong Luật Giá và đã được áp dụng như những năm gần đây tiểu thương đã nộp là khoảng 200.000 đồng/sạp/tháng.
Còn việc thuê đất thì cũng được quy định rõ tại điểm đ Khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai: Đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh thì thuộc trường hợp nhà nước cho thuê đất có thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê tiền đất một lần cho cả thời gian thuê.
Về giá thuê đất này, được biết từ tháng 5-2019 Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP đã gửi văn bản xin ý kiến Bộ TN-MT hướng dẫn cụ thể. Nếu Bộ TN-MT cho biết mức giá và buộc phải thanh toán một lần thì những người ký hợp đồng sớm vào 1-8 tới sẽ được tính với khung giá đất năm 2019 thấp, vì UBND TP đang chuẩn bị ban hành khung giá đất mới cao hơn.
Tuy nhiên, theo ước tính của UBND quận 5 thì mức giá tiểu thương phải trả bao gồm cả tiền thuê đất (tính theo giá hiện nay) thì khoảng 300.000 đồng/m2 (bao gồm tiền thuê đất khoảng hơn 150.000 đồng/m²).
Như vậy, bình quân mỗi quầy 2,1m² thì giá tiểu thương phải nộp theo hợp đồng mới chỉ khoảng hơn 600.000 đồng/sạp/tháng.
Các cơ sở pháp lý đều rõ ràng, lãnh đạo UBND quận 5 không thể làm sai, và nếu làm sai sẽ bị xử lý.
Đừng “bỏ tôm bắt tép”
Hiện nay vẫn còn vài tiểu thương thắc mắc, yêu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu quầy sạp (theo hình thức tương tự như cấp giấy chứng nhận sở hữu về tài sản gắn liền với đất); yêu cầu UBND quận 5 cấp giấy xác nhận tiểu thương góp vốn xây dựng công trình Trung tâm TM-DV An Đông 30 năm trước.
Tuy nhiên, sau khi xem hồ sơ, luật sư Trần Quốc Minh cho rằng điều đó là không thể. Nguyên nhân, từ năm 1989, khi quận 5 có chủ trương hợp tác với tư nhân để xây dựng lại chợ thì giao Công ty Phát triển Nhà quận 5 (đại diện cho Nhà nước) ký Hợp đồng số 014/HĐKT-PTN với Công ty tư doanh Việt Hoa để Việt Hoa đầu tư 100% nguồn vốn xây dựng chợ.
Đổi lại, Việt Hoa được quyền khai thác, sang nhượng quầy sạp trong thời hạn 20 năm (1991 - 2011). Hết thời hạn nêu trên, Việt Hoa phải bàn giao toàn bộ công trình lại cho Nhà nước. Do vậy, các hợp đồng giữa Việt Hoa với tiểu thương đã hết hạn, bản thân Việt Hoa cũng bàn giao những tầng khác cho quận 5 rồi.
Vì nguồn gốc đất nhà nước, tiểu thương góp vốn cùng Việt Hoa xây dựng, đến giờ đã đã hết hạn khai thác, và đã bàn giao cho quận; năm 2011 tiểu thương cũng đã ký hợp đồng mới với Ban Quản lý chợ - đơn vị thuộc UBND quận 5 - thì không còn cơ sở nào để cấp giấy xác nhận tiểu thương góp vốn cho Việt Hoa nữa.
Một khi thời hạn đã hết từ lâu, nguồn gốc đất của nhà nước, nhưng nay tiểu thương lại yêu cầu cấp sổ đỏ quyền sở hữu cho mình lại càng không có cơ sở pháp lý để cấp.
Và trên thực tế hầu như chưa chợ truyền thống nào được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu sạp và quyền sử dụng đất cả, có chăng chỉ là cấp cho quyền sử dụng (thuộc một trong 3 quyền của quyền sở hữu là quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt).
Và chẳng ai cấp sổ đỏ, sổ hồng cho diện tích 2,1m² cả, vì các luật nhà đất còn phụ thuộc vào hạn mức. Tuy nhiên, lâu nay các tranh chấp của tiểu thương được lãnh đạo quận và TP xử lý không quyết liệt.
Lẽ ra, phải xử lý tranh chấp hợp đồng bằng con đường toà án thì quận và TP lại ban hành các văn bản hành chính thay đổi liên tục khiến sự việc khiếu nại kéo dài, thậm chí đã từng diễn ra tụ tập đông người.
Chị Nguyễn Thị Hồng, người thường đi chợ An Đông, cho biết từ khi thấy chợ kiện tụng, tụ tập đông người đến giờ chị cũng ít đến chợ này nữa. Rõ ràng, việc một số tiểu thương theo đuổi kiện tụng đã đẩy chợ vào cảnh “lợi bất gặp hại” khi khách hàng bỏ mình. Điều đó chẳng khác nào… “bỏ tôm bắt tép”!
Còn bà Nguyễn Thị Thuyết thuê điểm kinh doanh gần đó với giá mấy chục triệu đồng/tháng, hay tin giá sạp ở chợ chỉ mấy trăm ngàn đồng/tháng thì cho rằng, nếu tiểu thương không đồng ý, quận có thể lấy lại sạp đấu giá, bà sẽ tham gia đấu giá thuê.
Tuy nhiên, một số cư dân nói rằng, chợ truyền thống là “đặc sản” của Việt Nam, thế nhưng gần đây công tác quản lý của địa phương chưa tốt, dẫn đến hàng gian, hàng giả bày bán công khai.
Đã đến lúc chính quyền quận và thành phố cần có động thái chấn chỉnh, chỉ đạo các cơ quan công an, quản lý thị trường cử người ngoại tuyến theo dõi các kho hàng, xử lý tất cả các cửa hàng bán hàng gian, hàng giả để trả lại niềm tin cho khách hàng.
Nếu chợ ngay giữa trung tâm thành phố mà hàng giả bày bán công khai là điều không thể chấp nhận được.