Theo lý giải của các nhà máy sản xuất phân bón và những đại lý đầu mối cung cấp cho biết, do ảnh hưởng của giá phân bón thế giới tăng, cùng với giá nguyên liệu nhập khẩu và chi phí đầu vào phục vụ sản xuất phân bón trong nước tăng và dịch Covid-19 kéo dài khiến việc nhập khẩu nguyên liệu và vận chuyển phân bón trong nước gặp khó, phát sinh thêm chi phí… Tất cả góp phần đẩy giá phân bón tăng cao.
Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho hay, vụ lúa thu đông 2021 xuống giống 160.000ha; ước lượng phân bón sử dụng khoảng 89.000 tấn các loại. Trong khi vụ đông xuân 2021-2022 thì lượng phân bón mà nông dân An Giang sử dụng cũng rất lớn; vì vậy, giá phân cứ tăng cao khiến bà con gặp bất lợi.
Trước tình hình trên, ngoài việc tìm giải pháp tăng nguồn cung phân bón ngay từ đầu vụ đông xuân cho nông dân nhằm giảm áp lực, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật, áp dụng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái, quản lý tốt rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá...
Theo Cục Trồng trọt, sẽ hướng dẫn thay thế một phần các loại phân bón tổng hợp NPK, bằng các loại phân đơn và các loại phân hữu cơ. Khuyến khích sử dụng các dạng phân bón hữu cơ với phân vô cơ, theo tỷ lệ phối hợp thích hợp nhằm tăng chất lượng nông sản, giảm các dạng bệnh hại trong đất và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, góp phần làm tăng phì nhiêu cho đất đai.
Đặc biệt là tính toán giá thành sản xuất lúa để đánh giá tỷ lệ chi phí sử dụng phân bón, từ đó đề xuất biện pháp giảm chi phí từ việc sử dụng phân bón hiệu quả.
Ngoài ra, tiến hành kiểm tra chất lượng phân bón, kịp thời xử lý các hành vi kinh doanh phân bón giả gây thiệt hại cho nông dân...