Sáng 2-12, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI - tăng hiệu quả tận dụng CPTPP”. Cuộc tọa đàm tập trung đánh giá 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng những giải pháp gia tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó trưởng Phòng WTO và FTA - Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) nhấn mạnh, CPTPP không chỉ mở rộng cơ hội xuất khẩu mà còn thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam và gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, một trong lợi ích nổi bật của CPTPP là khả năng giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp FDI để chuyển giao công nghệ và tăng tỷ lệ nội địa hóa, qua đó khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thống kê cho thấy, từ năm 2019 đến 2022, dòng vốn FDI từ các nước CPTPP vào Việt Nam tăng trưởng mạnh, từ 9,5 tỷ USD lên gần 11,5 tỷ USD. Singapore và Nhật Bản là 2 đối tác hàng đầu, với tổng vốn đầu tư lần lượt đạt 6,4 tỷ USD và 4,7 tỷ USD trong năm 2022. Trong 9 tháng năm 2023, các thành viên CPTPP đã đóng góp 67% tổng vốn FDI vào Việt Nam, nổi bật là Singapore và Nhật Bản với các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, công nghệ số, phát triển bền vững và hạ tầng.
Bà Lan Phương khẳng định, để tận dụng tối đa dòng vốn này, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường năng lực nội tại và kết nối chặt chẽ hơn với các tập đoàn đa quốc gia. Một ví dụ tiêu biểu là hợp tác trong ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng.
Cũng theo bà Lan Phương, một trong giải pháp trọng tâm hiện nay là xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, trong đó bao gồm cả CPTPP. “Chúng tôi đang thiết kế một hệ sinh thái, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 5 năm tới. Nếu được thông qua, mô hình sẽ giúp kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, đồng thời tập trung vào các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, dệt may và logistics”, bà Lan Phương chia sẻ.
Hệ sinh thái này sẽ bao gồm sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp lớn như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng các cơ quan quản lý ở cả Trung ương và địa phương. Mô hình này được kỳ vọng giải quyết những vướng mắc về thể chế, vốn và nhân lực cho doanh nghiệp.
“Điều quan trọng là phải tạo ra một cơ chế để phản hồi nhanh các kiến nghị của doanh nghiệp, chẳng hạn khi một lô hàng gặp trục trặc tại nước ngoài, hệ thống này sẽ chuyển kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền và xử lý kịp thời”, bà Lan Phương phát biểu.
Đại diện Bộ Công thương cũng nói thêm, các doanh nghiệp Việt Nam cần được “cầm tay chỉ việc” để có thể tiếp cận và tận dụng hiệu quả các cam kết trong CPTPP.
“Chúng ta không thể chỉ ban hành chính sách mà phải hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng vào thực tế. Chính phủ cần đồng hành chặt chẽ hơn với doanh nghiệp để hỗ trợ vốn, đào tạo nguồn nhân lực và cung cấp thông tin thị trường một cách cụ thể hơn”, bà Lan Phương nói.
Các doanh nghiệp cần nâng cao nội lực để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong chuỗi cung ứng FDI, đặc biệt là các tiêu chí về phát triển bền vững và chuỗi cung ứng xanh.
Với hệ sinh thái hỗ trợ FTA, kết nối chặt chẽ và chính sách cụ thể, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng tối đa CPTPP để gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.