Giả nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Từ tin báo của người dân về việc bị một số đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, công an đã vào cuộc điều tra truy xét bắt giữ toàn bộ nhóm đối tượng.
Sáu và Đạt (từ trái qua phải) tại cơ quan công an. Ảnh: C.T
Sáu và Đạt (từ trái qua phải) tại cơ quan công an. Ảnh: C.T

Ngày 27-9, Công an huyện Bình Chánh (TPHCM) cho biết, đang tạm giữ với Lê Thị Thanh Sáu (sinh năm 1990, ngụ quận Tân Phú, đối tượng cầm đầu) cùng 7 đối tượng khác để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Giả nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ảnh 1 Nhóm đối tượng tại cơ quan công an. Ảnh: C.T

Trước đó, Công an huyện Bình Chánh nhận tin báo của nhiều người dân về việc bị một số đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bằng nghiệp vụ, chiều 24-9, công an đã ập vào kiểm tra hành chính với 2 căn nhà ở xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM. Tại 2 căn nhà, công an phát hiện Sáu cùng nhiều đối tượng khác có dấu hiệu nghi vấn giả danh nhân viên ngân hàng. Hiện trường, công an thu giữ nhiều giấy tờ, máy móc, ĐTDĐ…

Qua làm việc, nhóm khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Theo đó, Sáu cùng một đối tượng trong nhóm thuê 2 căn nhà trên để làm nơi hoạt động. Mỗi ngày, Sáu đưa danh sách khách cho các nhân viên gọi điện xưng là nhân viên của ngân hàng chào mời vay với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh.

Nhóm phân công từng người đóng vai các bộ phận khác nhau như nhân viên bộ phận tư vấn, bộ phận thẩm định, bộ phận giải ngân và chăm sóc khách hàng như thật khiến nhiều người không chút nghi ngờ. Nhóm cho vay theo 2 gói có kèm theo điều kiện phải đóng phí bảo hiểm.

Giả nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ảnh 2
Giả nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ảnh 3 Tang vật thu giữ. Ảnh: C.T

Khách vay 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng phải đóng tiền bảo hiểm là gần 1,9 triệu đồng. Nhân viên nếu thực hiện thành công thì được nhận 150 ngàn đồng hoa hồng/bảo hiểm. Còn nếu khách vay từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng phải đóng tiền bảo hiểm gần 3,9 triệu đồng. Nhân viên nếu thực hiện thành công thì được nhận 450 ngàn đồng hoa hồng/bảo hiểm.

Nhằm chiếm lòng tin của khách hàng, các đối tượng cho biết chỉ khi nhận được tiền giải ngân từ ngân hàng thì khách hàng mới phải đóng tiền phí bảo hiểm. Vì vậy, nhiều người dân rất tin tưởng rằng đây là nhân viên tín dụng của ngân hàng và đồng ý vay.

Sau đó, nhóm in thẻ ATM giả rồi thông báo tiền vay của khách hàng đã được nạp trong thẻ. Khi khách hàng nhận thẻ kích hoạt sẽ rút tiền ra dễ dàng. Nhằm lấy lòng tin của khách hàng, nhóm còn cho biết sẽ gửi kèm thêm các phần quà khuyến mãi như mắt kính, ví… và sẽ được chuyển tới khách hàng qua hình thức bưu phẩm COD (khách hàng trả tiền khi nhận bưu phẩm).

Nhiều người khi nhận được bưu phẩm từ nhân viên bưu cục chuyển tới mở ra thấy có thẻ ATM nên tin tưởng đóng tiền phí “bảo hiểm khoản vay” từ gần 1,9-3,9 triệu đồng. Khách khi cầm thẻ ATM ra ngân hàng kích hoạt để rút tiền thì tá hỏa mới biết đây là những thẻ giả và bị lừa tiền.

Bước đầu, công an xác định hàng chục bị hại của đường dây lừa đảo này. Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra. 

Tin cùng chuyên mục