Tại hội nghị cung cấp thông tin về hoạt động công đoàn và dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi sáng 8-10 ở tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bày tỏ lo ngại về hệ lụy xã hội khi giá nhà đang tăng phi mã.
Ông cho rằng, giá nhà tăng không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động mà còn gây khó khăn cho Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ.
Ông Hiểu nêu vấn đề: Giá nhà tăng quá mức bất hợp lý. Nếu giá nhà cứ tiếp tục leo thang như vậy, đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội có nguy cơ thất bại. Ông cảnh báo rằng, khi giá nhà tăng bất thường, giá thuê nhà cũng sẽ tăng theo, khiến đời sống của công nhân càng thêm chật vật. Ông đưa ra ví dụ: “Giá nhà đang ổn định ở mức 5 đồng, bây giờ tăng lên 7 đồng thì rất khó huy động vốn để xây dựng nhà ở xã hội”.
“Có một số người đã đặt câu hỏi phải chăng có tập đoàn đã cố tình đẩy giá nhà chỗ này để bán nhà còn tồn chỗ kia”- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng bày tỏ sự khó hiểu trước nghịch lý: xi măng đang tồn kho, công nhân của các nhà máy gạch có nguy cơ mất việc làm, vậy tại sao giá nhà vẫn tăng cao?
Kinh tế đang khó khăn, mức lương cũng tăng không đáng kể, tại sao giá nhà lại tăng cao như vậy. Ông Hiểu cho rằng, một số doanh nghiệp đã lợi dụng tình hình để đẩy giá trên trời, làm cho cả xã hội lo lắng, bị ảnh hưởng, giấc mơ có nhà của người lao động bị gác lại, không biết đến bao giờ có nhà…
Ông dẫn chứng về trường hợp một người bạn đã tích góp 2,5 tỷ đồng để mua nhà nhưng khi đủ tiền, giá nhà đã tăng lên gần 4 tỷ đồng.
Nếu để giá nhà bị thổi phồng như hiện nay, ông Hiểu cảnh báo, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người lao động càng xa vời hơn, giá thuê nhà cũng bị đẩy lên theo
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn đến việc giá bất động sản tăng đột biến: lệch pha cung cầu, hiện tượng thổi giá và chi phí đầu vào tăng cao. Ông nhấn mạnh, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã đưa ra các biện pháp kiểm soát hành vi thổi giá và lũng đoạn thị trường.
Tháng 4-2023, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Mục tiêu của đề án là cung cấp nhà ở với giá cả phải chăng cho người có thu nhập trung bình và thấp. Đến năm 2030, dự kiến có khoảng 1.062.200 căn nhà ở xã hội được hoàn thành, trong đó 428.000 căn dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Đề án cũng bao gồm chương trình tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng, hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà với lãi suất ưu đãi, nhằm thúc đẩy việc xây dựng và mua nhà ở xã hội. Các cơ chế chính sách cũng đang được hoàn thiện để hỗ trợ việc huy động vốn từ xã hội hóa cho các dự án này.
Cần khoảng 849.500 tỷ đồng vốn đầu tư để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, đồng thời ưu tiên tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân nhằm bảo đảm công tác an sinh xã hội.