Theo số liệu mới nhất của FAO, chỉ số này trong tháng 3 ở mức 126,9 điểm, giảm so với mức 129,7 điểm ghi nhận trong tháng 2. Đây là chỉ số thấp nhất kể từ tháng 7-2021 và là tháng thứ 12 liên tiếp chỉ số này giảm kể từ sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine.
Theo FAO, các yếu tố như nguồn cung lương thực dồi dào, nhu cầu nhập khẩu yếu và việc gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã khiến chỉ số này tiếp tục giảm. Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 3 giảm 5,6% so với tháng 2, giá lúa mì giảm 7,1%, ngô giảm 4,6%, gạo giảm 3,2% và sữa giảm 0,8%. Chỉ số giá dầu thực vật giảm 3,0% so với tháng 2 và giảm khoảng 47,7% so với mức cao kỷ lục ghi nhận vào tháng 3-2022.
Tại Việt Nam, ghi nhận từ các hệ thống bán lẻ cũng cho thấy, giá lương thực và thực phẩm hiện giữ ổn định, thậm chí nhiều mặt hàng còn được nhà sản xuất và nhà phân phối giảm giá mạnh để kích cầu mua sắm.