Cụ thể, theo báo cáo của FAO, giá đường giảm 6,8% so với tháng trước và giảm 18,5% so với cùng kỳ, chủ yếu do triển vọng cung cấp toàn cầu cải thiện nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi ở Brazil và Ấn Độ. Trong khi đó, giá dầu thực vật giảm 5,6%; giá dầu cọ và cải dầu giảm, trong khi giá dầu đậu nành và dầu hướng dương ổn định.
Ngược lại, giá ngũ cốc tăng nhẹ ở mức 0,3% so với tháng 12, nhưng vẫn thấp hơn 6,9% so với cùng kỳ. Giá ngô tăng do dự báo sản lượng và tồn kho giảm ở Mỹ; giá gạo giảm 4,7% nhờ nguồn cung xuất khẩu dồi dào; còn giá thịt giảm 1,7% trong tháng 1. Giá sữa tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 20,4% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ giá phô mai tăng mạnh, bù đắp cho sự giảm giá của bơ và bột sữa. Tại Việt Nam, trước áp lực giảm giá của lương thực toàn cầu, giá các loại lúa gạo trong nước cũng giảm mạnh, nhất là từ sau tết. Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường được thu mua tại ruộng hiện ở mức 5.200-5.500 đồng/kg, giá gạo thường ở mức 10.500-13.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp sau hơn 2 năm ở mức cao của lúa gạo Việt Nam.