Tuy nhiên, giá thịt và sữa lại tăng. Giá lúa mì, dù đã giảm trong tháng 6 (so với kỷ lục hồi tháng 5) nhưng vẫn cao hơn 48,5% so với cùng kỳ. Việc Nga và Ukraine đạt thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc góp phần làm giảm những lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
FAO đánh giá, hàng loạt vấn đề đang khiến giá lương thực trở thành nỗi lo của nhiều quốc gia. Dù đã có dấu hiệu giảm nhưng vấn đề nhiều khả năng chưa được giải quyết triệt để. Giá nguyên liệu tăng vọt khiến giá lương thực khó có thể giảm trong tương lai gần.
Tại Việt Nam, gần đây giá xăng dầu đã liên tục giảm, song giá hàng hóa còn ở mức cao. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, phải mất một thời gian nữa giá lương thực, thực phẩm mới được kéo giảm. Và để có giá giảm thì không phải câu chuyện có thể xử lý phần “ngọn” (tức là giám sát và yêu cầu nhà bán lẻ giảm giá), mà phải có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành trong việc kiểm soát từ đầu vào sản xuất đến khâu trung gian, phân phối.