Chấp nhận bán rẻ
Những ngày qua, chị Lê Kim Mai (ngụ xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) và gia đình chạy đôn chạy đáo tìm đối tác thu mua, thu hoạch, vận chuyển… gần 2ha lúa đã vượt quá thời gian thu hoạch gần 1 tuần. Chị Mai cho biết, giữa tháng Chạp năm 2023, một thương lái đồng ý mua lúa của gia đình với giá 8.700 đồng/kg và đã đặt cọc, thương lái trực tiếp thu hoạch. Tuy nhiên, sau tết, bên mua cho hay chỉ mua được với giá 7.400 đồng, với nhiều lý do khó chấp nhận. “Dù nỗ lực thương lượng với bên mua nhưng không có kết quả, gia đình tôi chấp nhận phương án tự thu hoạch, phơi sấy để chờ giá lúa lên”, chị Mai chia sẻ.
Tương tự gia đình chị Mai, hiện rất nhiều nông dân ở các địa phương ĐBSCL rơi vào thế khó khi bị thương lái bỏ cọc ở thời điểm lúa sắp đến kỳ thu hoạch. Nhiều nông dân cho biết đành chấp nhận bán lúa với giá thấp, bởi kéo dài thời gian thu hoạch thì sẽ chịu rủi ro, thiệt hại đôi khi lớn hơn tiền đặt cọc.
Nông dân Quách Minh Khoa (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho hay, vừa bán lúa ST25 trên diện tích 4ha với giá 9.400 đồng/kg, dù giá hợp đồng với thương lái trước tết là 9.800 đồng/kg.
“Thương lái đòi bỏ cọc ở thời điểm lúa đúng ngày thu hoạch khiến gia đình tôi không thể trở tay. Để tránh rủi ro sau một mùa vụ tốn nhiều công sức, tôi chọn phương án an toàn, bán lúa với giá thấp hơn giá nhận cọc 400 đồng/kg. Với sản lượng gần 50 tấn lúa/4ha, tôi mất khoảng 20 triệu đồng”, ông Khoa tâm sự.
Vụ đông xuân 2023-2024, tỉnh Tiền Giang có tổng diện tích gieo sạ hơn 45.000ha, hiện đã thu hoạch gần 2.000ha, năng suất bình quân đạt 71 tạ/ha. Ông Nguyễn Hải Nam (huyện Cai Lậy) cho biết, gia đình canh tác 1,6ha lúa, trước tết thương lái đặt cọc mua với giá 9.000 đồng/kg, tuy nhiên đến khi thu hoạch thương lái chỉ mua với giá 8.100 đồng/kg. “Lợi nhuận thấp nhưng tôi vẫn chấp nhận bán để đảm bảo an toàn, bởi thời gian gần đây giá lúa không ổn định”, ông Nam nói.
Tại Long An, ông Lưu Văn Ngà, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Phú (huyện Vĩnh Hưng, Long An), thông tin, một hộ trong hợp tác xã vừa thu hoạch 30 mẫu ruộng, bán hơn 200 tấn lúa với giá 8.300 đồng/kg cho thương lái, giảm 250 đồng/kg so với giá đặt cọc ban đầu.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An…, phần lớn nông dân chấp nhận bán lúa theo giá mới do thương lái, “cò lúa” đưa ra, thấp hơn 1.000-1.500 đồng/kg với giá nhận cọc, đồng nghĩa với việc nông dân thất thu khoảng 1-1,5 triệu đồng/tấn lúa so với hợp đồng ban đầu.
Thương lái có "làm giá"?
Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cho biết, hiện trong vùng ngọt hóa, địa phương đã thu hoạch được 17.000ha, còn lại khoảng 12.000ha. Do hệ thống kênh rạch trong vùng khô cạn nên lúa thu hoạch không thể vận chuyển bằng đường thủy; trong khi đó đường bộ bị ảnh hưởng bởi sụt lún, xe tải không thể lưu thông, phải thuê xe gắn máy trung chuyển khiến gia tăng chi phí. Vì vậy, giá lúa trong vùng ngọt hóa thời gian gần đây giảm mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của bà con.
Bà Trương Thúy Hiền, một thương lái thu mua lúa ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long), khẳng định: “Chúng tôi vẫn xem trọng chữ “tín” trong làm ăn, không mong muốn bỏ cọc hoặc “ép giá” bà con nông dân. Tuy nhiên, do giá lúa liên tục giảm mạnh từ tết đến nay khiến thương lái liên tục thua lỗ nặng. Có thời điểm thương lái phải chấp nhận bỏ tiền đặt cọc để cắt lỗ”. Theo bà Hiền, giá lúa, gạo giảm mạnh hiện nay là do các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu hạn chế mua vào vì chưa có hợp đồng mới để xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long (Hậu Giang), cho rằng, việc giá lúa bật tăng từ 9.000-10.000 đồng/kg (giá lúa ST25 đến 12.000đồng/kg) vào những ngày trước tết là do một bộ phận thương lái “đón gió đặt cọc giá cao”. Tuy nhiên, khi vào chính vụ, giá lúa bình ổn trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó, sau tết, khô hạn đến sớm, chi phí thu hoạch, vận chuyển lúa (nhiều nơi phải bằng ghe, xuồng) từ ruộng ra điểm tập kết cao. Do đó, thương lái khó thể mua giá cao như đã đặt cọc.
Theo sở NN-PTNT nhiều địa phương ở ĐBSCL, với giá lúa 7.000-8.000đồng/kg, nông dân vẫn có lãi (25-35 triệu đồng/ha), tuy nhiên việc giá lúa tăng giảm bất thường trong thời gian ngắn (từ trước Tết Nguyên đán 2024 đến nay) là có vấn đề, các địa phương cần vào cuộc làm rõ có hay không việc doanh nghiệp, thương lái “làm giá”, để có biện pháp ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi cho nông dân.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá gạo 5% tấm ở mức 628 USD/tấn. Đây cũng là mức giá một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL đang chào bán, cụ thể giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 620 USD/tấn, gạo thơm ở mức 700 USD/tấn, gạo Nhật 750 USD/tấn.
Với diễn biến giá thu mua gạo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu dao động ở mức 13.800-15.500 đồng/kg, mức giá lúa mua tại ruộng từ 7.500-8.000 đồng/kg là “biên độ” phù hợp cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn “than” rằng, với mức giá thu mua hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gần như không có lãi bởi trước đó lỡ ký giá bao tiêu ở mức cao.