Nông dân huyện biên giới Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) thu hoạch lúa. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Đi dọc vành đai biên giới từ huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) qua Tịnh Biên, An Phú (tỉnh An Giang) không khí bà con nông dân thu hoạch lúa rộn ràng khắp nơi.
Năm nay, năng suất lúa đông xuân bình quân đạt từ 7-9 tấn/ha, giá lúa tăng từ 300-1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Song song đó, giá phân bón, vật tư nông nghiệp giảm khoảng 10%, tính ra sau khi trừ chi phí, bà con thu lời khoảng 20-30 triệu đồng/ha lúa.
Ông Lê Văn Nhã (nông dân huyện Giang Thành) cho hay, vụ này ông sạ giống Đài Thơm 8, năng suất khoảng 9 tấn/ha, cao hơn các năm khoảng 1 tấn, giá bán 6.900 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg so với năm trước.
"Năm nay lúa được mùa, giá cao, nông dân phấn khởi lắm, chi phí sản xuất ít hơn so với các năm do phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều giảm”, ông Nhã nói.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện các giống lúa chất lượng cao như OM, Đài Thơm, Tài Nguyên, Nàng Thơm, Jasmin, Lộc Trời 28, ST24, ST25… được bà con trồng phổ biến, chiếm tới khoảng 80% diện tích gieo sạ. Giá lúa chất lượng cao (tương đương tỷ lệ 5% tấm sau khi xay xát, xuất khẩu) tăng từ 600-1.000 đồng/kg so với cùng kỳ.
Hiện các tỉnh vùng ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa đông xuân. Kiên Giang đã thu hoạch 30.000/281.000ha, An Giang 35.000/245.000ha, Hậu Giang 10.000/75.000ha, TP Cần Thơ 8.000/72.000ha, Cà Mau 22.000/110.000ha… Giá thuê máy gặt liên hợp dao động từ 300.000-320.000 đồng/ha, cuộn rơm khoảng 40.000 đồng/ha (rơm cuộn được chở đi bán để trồng nấm hoặc làm thức ăn gia súc).
Theo Bộ NN-PTNT, các tỉnh ĐBSCL chiếm 54% diện tích, 55% sản lượng và khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Việt Nam có diện tích gieo trồng lúa đứng thứ 6 trên thế giới (khoảng 7,2 triệu ha), đứng thứ 5 về sản lượng, năng suất cao nhất trong khu vực ASEAN và trong tốp đầu của thế giới.