Mọi người gọi ông thân mật bằng hai tiếng “già làng” theo cách gọi của vùng Tây nguyên. Nghe xong, ông cười khoái chí. Tuy nhiên, theo giải thích của Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, Nguyễn Hoàng Quân thì tiếng “già làng” dành cho ông mang nhiều hàm ý: người cao tuổi nhất đảo, tham gia lập chi bộ đầu tiên, có công gắn kết bà con trên đảo… Đặc biệt, ông là người duy nhất mang nhiều giống cây trồng, vật nuôi từ đất liền ra phủ xanh khắp đảo.
Chung tay xây nền móng cho đảo
Ông tên Lê Trắc (Tư Trắc), năm nay đã 79 tuổi, quá tuổi hưu nhưng vẫn còn đương chức Trưởng ban tuyên giáo xã Thổ Châu (còn gọi là Thổ Chu) huyện Phú Quốc tỉnh Kiên Giang. Nhà ông Trắc nằm bên sườn núi, xung quanh là khu vườn thoáng mát với nhiều cây ăn trái như mận, ổi, sa bô, xoài cát… những loại cây đặc trưng của đất liền.
“Lần đầu tiên tôi đặt chân ra đảo Thổ Châu không xuất phát từ lòng tự nguyện, mà từ sự động viên của bạn bè và các ngành chức năng…”. Bản tính bộc trực của ông Trắc thể hiện ngay trong lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với ông.
Ông Trắc vốn là cán bộ lão thành từng tham gia kháng chiến qua 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1988, ông về hưu sống ở Mong Thọ B (Châu Thành-Kiên Giang). Gia đình có đến 8 người con nhưng điều kiện sản xuất hạn chế, lại phải nuôi 2 đứa con học đại học, cuộc sống đã khó càng khó hơn. Mọi chi phí trong gia đình đều trông vào đồng lương hưu chỉ 428.000 đồng/tháng của ông.
Tháng 3-1993, tỉnh Kiên Giang có chủ trương đưa dân đất liền ra Thổ Châu lập nghiệp. Lúc này, trên đảo chỉ có 16 hộ thuộc diện khó khăn ra sống chưa đầy một năm. Ông được bạn bè và chính quyền động viên ra đảo, bởi Thổ Châu dù chưa có nhiều người nhưng nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế, nhất là khai thác hải sản. Ngoài ra, ông là người có kinh nghiệm công tác sẽ giúp Thổ Châu xây dựng chi bộ, chính quyền… Phân vân cả tháng trời, rồi bàn tính với vợ con, cuối cùng cả nhà thống nhất rời đất liền ra đảo.
Từ Rạch Giá ra đến Thổ Châu gần 200 cây số, chiếc tàu hàng chạy hơn cả ngày mới đến nơi. Trước mắt ông toàn là rừng và biển. Đêm xuống buồn não ruột. Thổ Châu chỉ duy nhất làm nghề biển, nhưng bản thân ông và các con từ trước đến giờ chưa hề đi biển thì sao làm được?
Mặt khác, biển vùng này rất sâu; khác với biển cạn trong Rạch Giá. Suy đi, tính lại, cuối cùng ông quyết định gom hết tài sản và nguồn vốn Nhà nước cho vay ưu đãi ra đảo, để mua chiếc ghe 17 tấn, giao cho con trai chở hàng hóa như rau cải, gạo, đường, mì… từ đất liền ra đảo bán lại kiếm lời. Còn ông thì tham gia công tác tại Thổ Châu, vợ đi xẻ mực thuê cho các vựa trên đảo.
Tháng 7- 1993, xã Thổ Châu tiến hành thành lập chi bộ đầu tiên chỉ có 4 đảng viên, ông Trắc được bầu làm bí thư chi bộ. Xã mới, dân cũng mới từ các nơi ra sống, nhìn quanh ai cũng nghèo. Trong khi cấp trên chỉ đạo phải nhanh chóng ổn định đời sống bà con, dân khá lên thì việc giữ gìn và phát triển đảo mới lâu bền được.
Khai thác hải sản được đảo chọn là kinh tế chính, trong đó chú trọng vừa khai thác vừa chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Thổ Châu nổi tiếng là “đảo mực”, ai có phương tiện và chịu khó làm sẽ sống khỏe. Hộ ít vốn và không nghề thì làm thuê cũng được 40.000-50.000 đồng/ngày dư tiền ăn gạo. Một số được khuyến khích mở cơ sở hàn tiện, sửa tàu ghe, đưa đò xung quanh đảo; hay buôn bán tạp hóa, vải, quán giải khát, quán ăn… người nào việc nấy, từng bước đảm bảo cái ăn – cái mặc. Nhiều hộ giỏi chỉ vài năm xây được nhà tường, rồi mua cả xe Honda từ đất liền mang ra đảo chạy.
Nhân giống trên đảo tiền tiêu!
Đời sống dần ổn định, nhưng rau xanh trên đảo luôn thiếu trầm trọng bởi từ đất liền chở ra vừa lâu và không đủ cung cấp. “Nơi này đào được giếng, có được nước ngọt. Tại sao mình không trồng rau màu để ăn, khỏi trông chờ từ đất liền”. Ông nghĩ xong là làm ngay. Trên đảo không có giống, ông nhảy xuống tàu vào Rạch Giá mua mấy ký giống như cải, bầu, bí, rau, dưa… mỗi thứ một ít mang về đảo. Dọn sạch miếng đất cỏ mọc sau nhà, đào giếng, lên liếp… tiến hành trồng màu.
Đợt đầu gặp ngay mùa hạn, nắng nóng lại thiếu nước tưới, liếp rau vừa lên đã bị chết cháy. Chờ mưa xuống, ông sửa đất trồng lại. Chỉ hơn tháng, miếng cải ngọt và rau muống lên xanh mượt, rồi dây bầu – dây bí cũng theo đó bò lên giàn cho trái sum suê. Gia đình ăn không hết, hừng đông vợ ông mang ra chợ bán kiếm được hai ba chục ngàn.
Thế nhưng, ông vẫn thấy buồn và thấy thiếu thứ gì đó. Hồi còn ở đất liền, tối nào cũng được nghe tiếng kêu ếch, nhái, còn ở đảo, tối mù chỉ nghe sóng biển ầm ầm và gió rừng xào xạc. Đợi cuối tuần có tàu, ông lại về đất liền tìm, nhái… mang ra đảo thả quanh nhà. Chỉ thời gian ngắn, chúng sinh sôi thành đàn, lớn lên nhiều người bắt ăn, ai cũng khen ngon.
Có hôm bà nhà và các con thèm ăn lươn, ông tìm khắp đảo chẳng ai bán, vì nơi này đâu thể có lươn. Nhớ lại cái giếng tưới rau và con suối sau nhà chắc lươn sống được. Ông lại trở vào nơi ở cũ tại Châu Thành nhờ người tìm lươn giống. Ông còn cẩn thận mang theo một đống lục bình ra đảo để thả cho lươn dễ sống. Nhiều người thấy vậy, bảo ông làm chuyện “không công”, bởi suối dài bao la sau này biết đâu mà bắt. Ông giải thích: “Tôi dọn chỗ êm và để lục bình cho lươn sống, nó lớn lên ai bắt ăn cũng được”. Mọi người lắc đầu: Đúng là “già làng” mới lo xa như vậy.
Chưa hết, ông còn mang gà ra nhân giống thành bầy. Rồi tìm mận, xoài cát, ổi… bỏ xuống tàu chở ra trồng xung quanh nhà. Cây lớn cho trái thì chiết nhánh, ươm hột mở rộng diện tích, đồng thời cho cây giống để bà con trên đảo cùng trồng. Từ chỗ không trái cây, đến nay nhiều nhà có ăn quanh năm. Đáng nể nhất là chuyện ông mang được ong ruồi và mèo ra đảo.
Thông thường các tàu ghe đều “kỵ” không chịu chở mèo. Vậy mà, khi về đất liền là ông tìm mua mèo giấu vào túi quần áo mang đi. Riêng đàn ong thì đợi trời tối bắt trùm vào bao ni lông, có lần bị ong cắn sưng mình nhưng ông không bỏ cuộc. Dịp Tết Bính Tuất mới đây, ông lội dọc theo khu lấn biển thành phố Rạch Giá tìm những trái bần chín mang ra trồng quanh đảo.
Theo ông Trắc: “Những cây-con từ đất liền mang ra nuôi trồng trên đảo, ngoài chuyện có cái ăn cho gia đình và bà con thì còn chứng minh cây ấy – con ấy là của đất Kiên Giang; khẳng định chủ quyền trên đảo…”. Thấy ông làm được nên mọi người học theo, bây giờ khắp đảo nhiều loại cây – con đều có.
Bữa cơm trưa ông đãi chúng tôi có nồi canh chua lươn nấu bạc hà, ăn rất ngon. “Già làng” Tư Trắc đưa chúng tôi ra thăm ruộng khoai mì đang lên xanh tốt, ông bảo “chỉ vài tháng nữa là có thêm khoai ăn rồi…!”. 16 năm sống trên đảo, đến nay “đại gia đình” gồm con, cháu, chắt… của ông đã lên đến 34 người. Trong đó, có 5 người giữ những vị trí chủ chốt tại xã Thổ Châu.
Riêng ông tuổi cao nhưng cấp trên vẫn động viên tiếp tục công tác. Hàng ngày ông lại xuôi ngược khắp đảo, tuyên truyền chủ trương, động viên bà con làm ăn, khi xảy ra tranh cãi ông giải quyết ngay bằng chính uy tín của mình… Dân trên đảo tiền tiêu gọi ông là “già làng” đáng quý.
HUỲNH PHƯỚC LỢI