Sông Ba đoạn qua huyện Krông Pa có chiều dài 45km, chảy qua 12 xã, thị trấn trên địa bàn. Nhiều năm qua, con sông liên tục bị sạt lở, “nuốt” nhiều diện tích đất sản xuất của dân. Ghi nhận thực tế tại đoạn qua buôn Lang (xã Chư Rcăm), cho thấy, lòng sông rộng khoảng 100m, nước chảy xiết, cuốn trôi mọi vật cản, hai bên bờ bị sạt lở nặng.
“Lòng sông qua làng ban đầu rộng khoảng 10m, bây giờ rộng hơn 100m vì sạt lở. Như nhà tôi, 1,8ha trồng mì, bao năm qua bị sông nuốt gần hết. Bây giờ đất dọc sông không còn, gia đình không sản xuất được, thu nhập giảm sút. Tôi mong chính quyền hỗ trợ, chứ đất bị sông cuốn hết rồi”, ông Rơ Lah Kem (buôn Lang, xã Chư Rcăm) nghẹn ngào.
Ngược lên thượng nguồn, sông Ba bị sạt lở nặng nề hơn, từng mảng đất đang trồng mì của dân bị sạt xuống sông. Ông Rơ Châm Bia (buôn Lang, xã Chư Rcăm) buồn bã: “Nhà có 2ha mì trồng bên sông mà bị sạt lở hết rồi. Hiện có đám mì 9 sào khác cũng có nguy cơ bị cuốn trôi.
Ông Hà Văn Đường, Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm, cho biết, từ nhiều năm qua, sông sạt lở nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến đời sống người dân; đã có khoảng 100ha đất trồng mì, trồng thuốc lá dọc sông bị mất trắng hoàn toàn. Ngoài ra, 1 điểm xung yếu trên quốc lộ bị đe dọa, có nguy cơ sạt lở quốc lộ, làm mất đường…
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết, sông Ba sạt lở làm ảnh hưởng 12 xã, thị trấn. Ảnh hưởng nặng nề nhất là đất nông nghiệp bị sạt lở rất nhiều và diện tích thiệt hại ngày một tăng thêm. Đoạn sạt lở nặng nhất xảy ra ở 2 xã Ia Rsai và Chư Rcăm. Trước mắt, huyện, tỉnh tập trung xử lý, khắc phục những điểm xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản nhà nước cũng như nhà cửa, công trình của dân. Trong đó, đối với cầu Lệ Bắc, quốc lộ 25, Nhà nước làm kè hai bên cầu. Huyện cũng đã di dời 102 hộ buôn Lang, xã Chư Rcăm sống giáp sông có nguy cơ sạt lở lên vùng an toàn.
Hiện tại, cầu treo Ia Rsai cũng bị sạt lở mố cầu, nếu không khắc phục sẽ bị cuốn bay, không có đường đi cho dân. Vì thế, hiện huyện đang kiến nghị tỉnh hỗ trợ kè lại mố cầu. Còn đối với đất sản xuất, hiện tại không có cách nào để bảo vệ nên chấp nhận mất đất”, ông Hồ Văn Thảo cho biết.