Gia Lai là địa phương có diện tích trồng mía lớn với hàng chục ngàn hécta, được trồng nhiều ở các huyện Kbang, Kông Chro, Krông Pa, Đắk Pơ, Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa, An Khê. Giữa lúc bước vào vụ thu hoạch thì mía bỗng bốc cháy ở nhiều nơi. Gia đình ông Lê Đình Chơn (xã Cư An) trồng 4ha mía tại thôn An Phong, xã Phú An bị lửa thiêu rụi hết 1,7ha vào ngày 13-2, sau đó cháy lan sang diện tích mía còn lại. Cạnh rẫy mía của ông Chơn là rẫy mía rộng 2,5ha của gia đình anh Phù Chí Linh (tổ 6, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cũng bị cháy hoàn toàn. “Vườn mía đầu tư 80 triệu đồng từ tiền bán bò và đi vay, giờ cháy sẽ phải bán rẻ hơn”, anh Linh ngậm ngùi kể.
Ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Thiện, cho biết, diện tích mía trên địa bàn hơn 2.500ha. Năm 2023, đã có khoảng hơn 50ha mía bị cháy. Phòng đã tham mưu UBND huyện giao công an xác minh nguyên nhân cháy. Còn theo UBND tỉnh Gia Lai, có khoảng 250ha mía bị cháy, tăng hơn gấp 5 lần so với vụ mía năm 2022. Trước tình trạng mía cháy, tỉnh Gia Lai yêu cầu các nhà máy ưu tiên thu mua sớm nhất diện tích mía bị cháy và hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với nông dân; yêu cầu các địa phương giám sát và hỗ trợ kịp thời đẩy nhanh tiến độ thu mua mía cho người dân theo hợp đồng trồng mía đã ký kết.
Bên cạnh mía, ở một số vùng có diện tích trồng điều lớn của Gia Lai như huyện Ia Grai (6.000ha), huyện Đức Cơ (26.000ha) đang vào vụ thu hoạch nhưng dự báo năng suất giảm. Bà Nguyễn Mai Lương, Chủ tịch UBND xã Ia Khai, cho biết, xã có trên 1.000ha điều. Nếu như năm ngoái, điều cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn/ha, thì năm nay ước chỉ đạt khoảng từ 1-1,2 tấn/ha. Theo ông Phan Đình Thắm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ia Grai, dự báo năm nay năng suất điều giảm so với những năm trước, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của bà con trên địa bàn. Lý do vì khi cây điều ra hoa thì gặp trời mưa, không khí lạnh.