Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi xâm nhập khu vực khai thác quặng sắt lậu tại xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Tại một quả đồi đang trồng keo lai, có hàng chục tấn quặng đã được tập kết. Cạnh đó là chén, bát, nước uống và các công cụ khai thác quặng như búa, rìu sắt và xe rùa, phương tiện vận chuyển quặng từ các điểm khai thác về tập kết tại bãi.
Từ điểm tập kết, tiếp tục đi len vào các bãi rừng keo lai thấy nhiều vị trí, đất được bới tung để đào quặng. Đá, quặng được rải khắp nơi dưới khe núi, trên đường đi hay trong các hố đất. Đi tiếp một đoạn, chúng tôi thấy 4 người đang tổ chức khai thác, vận chuyển. Người dùng búa đập đá, người dùng cuốc chim đào đất để săn tìm quặng dưới lòng đất, còn người thu gom, tập kết lên đường để đưa xe rùa đến chở đi.
Bắt chuyện với một người đang khai thác, người này nói được ông Tr. (xã Đông, huyện Kbang) thuê vào làm 2 tháng nay. Những điểm trên đồi cao sau khi khai thác sẽ thả quặng từ trên xuống vực rồi lấy xe rùa đi thu gom tập kết. Cứ tầm 2 đến 3 ngày, các xe tải lớn sẽ được điều vào chở quặng khai thác được ra nhà ông Tr. trước khi được chở đi bán. Cũng theo một nhân công được thuê, việc khai thác diễn ra nhiều năm nay.
Ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, khu vực nói trên từng là mỏ quặng sắt đã được cấp phép cho Công ty khoáng sản Gia Lai. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, mỏ này đã làm thủ tục đóng cửa mỏ, giao cho địa phương quản lý, trồng keo lai để phục hồi môi trường.
Cũng theo ông Phạm Xuân Trường, huyện sẽ chỉ đạo Phòng TN-MT đi kiểm tra và có hướng xử lý tình trạng người dân “mót” quặng sắt tại đây.