Theo đó, sau khi báo phản ánh, Chi cục kiểm lâm tỉnh đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra và làm việc với UBND huyện.
Về kết quả kiểm tra, đại diện chi cục kiểm lâm tỉnh cho biết diện tích đã trồng keo là 23,7ha tại tiểu khu 146 và tiểu khu 147 (xã Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, thuộc quản lý của Công ty lâm nghiệp Lơ Ku, cách trụ sở UBND xã hơn 4km). Trong số 23,7ha đã trồng keo, có 6,4ha đất nông nghiệp và 5,2ha đất trống quy hoạch cho mục đích đất lâm nghiệp, dùng để trồng rừng.
Diện tích còn lại là hơn 12,1ha có quy hoạch là rừng sản xuất. Cụ thể, trên 6,4ha có rất ít cây rừng tái sinh sau nương rẫy và 5,6 ha có cây rừng phục hồi sau nương rẫy. “Trên diện tích 12,1ha có quy hoạch rừng sản xuất này, hiện chưa thống kê được có nhiêu cây gỗ bị chặt để trồng keo lai”, đại diện chi cục kiểm lâm thông tin.
Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cho biết, qua làm việc với UBND huyện Kbang, được biết, tại trực báo giữa UBND huyện với các đơn vị chủ rừng vào ngày 20-8, các đơn vị chủ rừng báo cáo không xảy ra phá rừng trái phép trên lâm phần quản lý.
Đến ngày 21-8, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí, UBND huyện đã chỉ đạo và thành lập tổ kiểm tra trực tiếp kiểm tra tại 2 tiểu khu trên, qua đó xác định đối tượng, diện tích rùng bị lấn phá trái phép. UBND huyện Kbang cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm đối với diện tích vi phạm bị chặt hạ trái phép để trồng rừng tại tiểu khu 146 và 147. “Báo chí phản ánh phá rừng trồng keo là đúng. Việc phá rừng để trồng rừng nếu báo chí không phán ánh thì không biết được. Anh em hạt kiểm lâm cũng rất bất ngờ”, đại diện chi cục kiểm lâm thông tin thêm và bước đầu nhận định trách nhiệm đầu tiên trong vụ việc là của chủ rừng.
Trước đó, Báo SGGP đã có nhiều tin bài phản ánh, tại xã Lơ Ku, thuộc lâm phần quản lý của Công ty lâm nghiệp Lơ Ku) hiện đang trồng rừng keo từ 2 tuần đến 1 tháng nhưng trên diện tích này có hàng trăm gốc cây gỗ tự nhiên bị đốn hạ ngổn ngang. Có cây cưa xong rồi xẻ hộp nhưng chưa chở đi.
Theo Công ty lâm nghiệp Lơ Ku, đơn vị đã hợp đồng thuê Công ty TNHH MTV Ngân Sơn trồng rừng ở một phần diện tích nói trên. Sự việc cây gỗ tự nhiên bị đốn hạ trên diện tích đang được trồng keo lai có khả năng là trong quá trình trồng rừng, có một vài cây gỗ tự nhiên mọc lẻ nên đơn vị trồng rừng chặt luôn để trồng rừng. Việc này đã vi phạm hợp đồng nên công ty sẽ mời đơn vị được thuê trồng rừng lên làm việc và có hướng xử lý. Sự việc đã được UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý.