Tỷ lệ sinh của Trung Quốc chỉ ở mức 0,53%/năm, tỷ lệ tăng dân số ở mức thấp nhất kể từ khi áp dụng chính sách mỗi gia đình chỉ có một con trong những năm 1970. Số trẻ mới sinh năm 2020 chỉ còn 12 triệu, trong khi con số này năm 2019 là 14,65 triệu. Ngược lại, số người lớn tuổi không ngừng tăng lên, với 264 triệu người Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên vào năm 2020, chiếm 18,7% dân số (năm 2010 là 13,3%). Trong khi đó, dân số trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) tiếp tục lao dốc, chỉ còn 63,3% trong năm 2020 (10 năm trước là trên 70%).
Các số liệu trên cho thấy dân số Trung Quốc đang bị lão hóa. Tháng 11 năm ngoái, một cơ quan tư vấn chính phủ nước này ước tính, dân số Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2027 (năm Ấn Độ sẽ chính thức trở thành nước đông dân nhất thế giới) nhưng với số liệu vừa công bố, đỉnh này có thể đạt trước năm 2025.
Hậu quả có thể khá nặng nề đối với một Trung Quốc phát triển kinh tế nhờ lực lượng nhân công dồi dào. Dân số già, cộng với bong bóng bất động sản, là vật cản lớn đối với mục tiêu đưa Trung Quốc thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vào năm 2035 mà chính phủ nước này đưa ra. Đáng lo hơn, dân số Trung Quốc giảm trong bối cảnh Bắc Kinh đang tranh giành vị trí số một thế giới của Washington khi mà từ nay đến năm 2050, dự báo dân số Mỹ tiếp tục tăng. Trong 40 năm qua, Trung Quốc rút ngắn khoảng cách với Mỹ nhờ lực lượng lao động rẻ và đông đảo. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải đặt câu hỏi: “Giờ thì chúng ta có thể dựa vào đâu trong 30 năm tới?”. Với nhiều nguy cơ như vậy, có thể nói, già hóa dân số thực sự là một quả “bom nổ chậm” của Trung Quốc.