Cụ thể, giá tiêu ở Gia Lai quay đầu giảm 5.000 đồng/kg so với hôm qua, hiện ở mức 148.000 đồng/kg. Tương tự, tiêu ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu... đang duy trì giá thu mua 149.000 đồng/kg. Thời điểm hiện tại đang là chính vụ thu hoạch tiêu tại khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ (từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm), nguồn cung dồi dào nên cũng gây áp lực lên giá.

Các chuyên gia nhận định, thị trường tiêu toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức. Tuần qua, giá tiêu trong nước đã chịu áp lực từ nguồn cung vụ thu hoạch mới và lo ngại về mức thuế đối ứng của Mỹ.
Trong khi đó, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, Việt Nam đang là nước cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Mỹ, chiếm tới 77% tổng lượng hạt tiêu mà nước này nhập khẩu. Một số nhà nhập khẩu Mỹ đề nghị phía doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chậm giao hàng, không ký hợp đồng mới. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước, khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có khả năng mất thanh khoản ngắn hạn, hàng tồn kho tăng cao, thu mua nguyên liệu bị ngưng trệ dẫn tới giá giảm trong những ngày vừa qua.
Do đó, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp chủ động và tập trung mạnh hơn nữa để tăng cường chế biến sâu; chuyển dịch dần khỏi xuất khẩu thô, đa dạng thị trường, giảm phụ thuộc vào một thị trường lớn, tránh bị ép giá lúc cao điểm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kết thúc quý 1-2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 47.660 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 39.853 tấn, tiêu trắng đạt 7.807 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 326,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu giảm 16,1%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng đến 38,6%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong quý 1 đạt 6.711 USD/tấn, tăng 94,9% và tiêu trắng đạt 8.617 USD/tấn, tăng 73,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Về thị trường, Mỹ vẫn là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam, tuy nhiên lượng nhập khẩu trong quý 1-2025 đã giảm 32,6% so cùng kỳ, đạt 10.278 tấn.