Giá heo rớt dài vì dư thừa nhưng sức mua lại giảm

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 31-3, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, giá heo hơi giảm là do xu thế chung, tại Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… cũng vậy.
Nhiều nơi giá heo hiện nay chỉ còn 40.000 - 41.000 đồng/kg hơi mà vẫn khó bán

Nhiều nơi giá heo hiện nay chỉ còn 40.000 - 41.000 đồng/kg hơi mà vẫn khó bán

Theo phản ánh của nhiều chủ trại và các hộ chăn nuôi heo, tình trạng heo hơi rớt giá đã diễn ra từ tháng 10-2022 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Trả lời câu hỏi của báo chí sáng 31-3, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Tống Xuân Chinh khẳng định, tình trạng này không chỉ riêng ở nước ta mà là xu thế chung ở các nước.

“Tại thị trường Trung Quốc hiện cũng vậy. Trước kia, tại Trung Quốc, giá heo hơi cao hơn của chúng ta khoảng 25.000 - 27.000 đồng/kg thì bây giờ cũng giảm mạnh, chỉ còn bằng giá heo của chúng ta”, ông Chinh cho biết.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh trả lời tại cuộc họp báo sáng 31-3, tại Hà Nội

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh trả lời tại cuộc họp báo sáng 31-3, tại Hà Nội

Theo Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, tại Trung Quốc, giá công bố cách đây 4 ngày là 2,1USD/kg heo hơi. Giá heo tại Việt Nam hiện cũng bám sát mức giá này. Tại Thái Lan và Philippines, giá heo cũng tương đương.

Đề cập nguyên nhân giá heo rớt dài, ông Tống Xuân Chinh cho biết, do sức mua của người tiêu dùng giảm, trong khi sức sản xuất hiện nay rất tốt nhờ các chủ trại biết áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất.

Đề cập giải pháp, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, để tìm đầu ra, vẫn phải tập trung thị trường trong nước là chính, nhưng bên cạnh đó phải nhanh chóng xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đang dư thừa.

Mặc dù giá heo hơi giảm nhưng giá nguyên liệu đầu vào lại tăng liên tục, “hiện tại chưa thể khẳng định khi nào thì giá đi ngang”, ông Chinh nói.

Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất cho người chăn nuôi, chẳng hạn hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ phối trộn thức ăn tại chỗ, tận dụng tối đa các nguyên liệu của địa phương để giảm giá thành, áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn để thực hiện mục tiêu đa giá trị trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam và các doanh nghiệp cũng đã có văn bản kiến nghị giảm thuế nhập khẩu đậu tương, khô dầu đậu tương xuống 0% để giúp giảm giá thành thức ăn chăn nuôi. Bộ NN-PTNT đã kiến nghị Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức thuế này.

Trước đó, tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước tổ chức ngày 30-3, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, hiện nay, giá thịt heo xuống thấp nên ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và việc tái đàn. Nếu tình trạng tái đàn hạn chế, dự báo đến cuối năm nay sẽ không đủ nguồn cung cho nhu cầu sử dụng, tác động đến giá thực phẩm và CPI. Bộ NN-PTNT cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này và đảm bảo nguồn cung thịt heo cho thị trường.

Còn ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) thông tin, hiện nay, các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến thịt heo gặp khó khăn về nguồn vốn, chi phí nguyên liệu tăng cao, giá thịt heo xuống thấp không đủ bù đắp chi phí… Do đó, doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện về nguồn vốn vay để thuận lợi trong việc tái đàn.

Tin cùng chuyên mục