Giá heo “lao dốc”

Một tuần nay, tại các địa phương nuôi heo nhiều ở miền Bắc như Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam…, giá heo hơi bán tại chuồng giảm mạnh, còn khoảng 41.000 - 44.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá heo cũng trong tình trạng tương tự trong những ngày qua.
Heo sống nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị)
Heo sống nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị)

Mỗi đầu heo tạ lỗ 2 triệu đồng

Theo nhiều chủ trại heo, từ tháng 8 đến tháng 10-2022, giá heo hơi ở 3 miền Bắc - Trung - Nam dao động ở mức 63.000 - 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ tháng 11-2022 đến đầu năm 2023, giá heo giảm còn 51.000 - 53.000 đồng/kg. Đến nay, giá heo “tuột dốc” xuống 41.000 đồng/kg. Tại các tỉnh có số lượng trại heo nhiều như Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Sóc Trăng…, giá heo tiếp tục có nguy cơ giảm mạnh.

Dù giá heo xuống thấp, song các chủ trại vẫn rất khó bán. Bà Bùi Thị Lan ở xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) cho biết, bà có đàn heo hơn 40 con (heo tạ). Ngày 14-3, có 3 nhóm thương lái thương lượng mua. Dù bà báo giá chỉ 41.000 đồng/kg nhưng tất cả đều bỏ đi với lý do “heo quá cỡ, khó bán”. T

ương tự, bà Bùi Thị Bật ở xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) cũng đang lo lắng vì đàn heo hơn 30 con (mỗi con hơn 1 tạ) của bà đã đến kỳ xuất chuồng, nhưng 2 tuần này vẫn chưa thể bán.

“Với chi phí mua thức ăn cho heo mỗi ngày gần đến bạc triệu. Nếu tình hình này kéo dài, có khi bị lỗ cả vốn. Công sức chăn nuôi xem như đổ sông”, bà Bật ngán ngẫm.

Anh Nguyễn Văn Cường, một chủ trang trại heo tại thôn Cây Si, xã Cấp Tiến (Sơn Dương - Tuyên Quang) chia sẻ, nếu phải bán với giá 45.000 - 46.000 đồng, mỗi đầu heo lỗ khoảng 1 triệu đồng so với giá thành. Hiện trại của anh đang có gần 1.000 con heo. Nếu căn cứ dữ liệu của Bộ NN-PTNT, so với hồi tháng 8-2022, đến nay, giá heo đã giảm tới hơn 20.000 đồng/kg (tức mỗi đầu heo tạ lỗ tới 2 triệu đồng).

Không hẳn do thịt ngoại

Nhiều chủ trại heo cho rằng, nguyên nhân khiến giá heo tiếp tục rớt sâu là do nguồn thịt ngoại nhập về nhiều, còn heo nuôi không thể xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc như các năm trước.

Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi với khô đậu tương từ 2% xuống 0%

Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 680.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,49 tỷ USD, giảm 6,1% về lượng, nhưng tăng 7,3% về giá trị so với năm 2021. Trong đó, riêng mặt hàng thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, Việt Nam nhập khẩu 114.660 tấn, trị giá 249,35 triệu USD.

Trong tháng 1-2023, Việt Nam chỉ nhập khẩu 35.440 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 74,13 triệu USD, giảm 45,7% về lượng và giảm 45,4% về giá trị so với tháng 12-2022 (so với tháng 1-2022 giảm 34% về lượng và giảm 35% về giá trị).

Riêng mặt hàng thịt heo, trong tháng 1-2023, Việt Nam nhập khẩu 4.910 tấn, trị giá 11,57 triệu USD, giảm 65,2% về lượng và giảm 66,5% về giá trị so với tháng 12-2022 (so với tháng 1-2022 giảm 54,1% về lượng và giảm 50,9% về giá trị). Như vậy, lượng thịt ngoại nhập về giảm mạnh và không phải là nguyên nhân chính.

Theo phân tích và nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect, giá heo hơi giảm thời gian gần đây là do nguồn cung trong nước vẫn dồi dào, trong khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, dẫn đến thắt chặt chi tiêu.

Còn theo Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos Việt Nam, những năm gần đây, xu hướng thịt gà được người dân tiêu thụ nhiều hơn khiến lượng thịt heo tiêu thụ giảm. Dự báo tình hình chăn nuôi heo có thể tiếp tục khó khăn trong năm 2023 và chỉ khởi sắc từ quý 3-2023 khi nền kinh tế phục hồi, việc làm và thu nhập của người lao động được cải thiện.

Tin cùng chuyên mục