Cuộc trao đổi sau đây của phóng viên Báo SGGP với ông Văn Đức Mười (ảnh), nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) - người gắn bó cả đời mình với ngành chăn nuôi và giết mổ heo, sẽ làm rõ những vấn đề này.
DN chăn nuôi đang “thu vén” giá heo hơi
* PHÓNG VIÊN: Giá heo hơi đã chạm mốc 100.000 đồng/kg. Theo ông, mức giá này có phản ảnh đúng quy luật cung - cầu thị trường? Điều gì đang diễn ra trong ngành chăn nuôi heo?
* Ông VĂN ĐỨC MƯỜI: Năm 2019, dịch tả heo châu Phi lan sang Việt Nam khiến đàn heo bị giảm với số lượng lớn, đã tác động đến giá heo theo đà tăng cao không ngừng và chạm mốc 100.000 đồng/kg. Thịt heo đã có những lúc biến động mạnh về giá cả, lúc xuống quá thấp, lúc lên quá cao, nhưng với mức 100.000 đồng/kg thì mới có lần đầu. Thực chất có phải vì lý do mất cân đối cung - cầu nên giá cả tăng cao? Chúng ta cần lượng định trên nhiều mặt để thấy rằng không phải hoàn toàn như vậy, khi Chính phủ cũng đã rất quyết tâm kiểm soát giá thịt heo và đưa ra nhiều giải pháp bù đắp cân đối nhu cầu thị trường, nhưng dường như không thể nào chặn đứng được.
Giá heo hơi vẫn là thách thức với những giải pháp hành chính được đề ra. Những giải pháp này chỉ mới có tính khích lệ và quyết tâm mà không đi sâu vào đánh giá toàn diện, đề ra các giải pháp kiểm tra môi trường cạnh tranh qua giá thành và lãi hợp lý.
Theo tôi, sự mất cân đối cung - cầu là có thật, nhưng nó cũng là nguyên cớ để ẩn nấp những khuất tất mù mờ không minh bạch trong vận hành lượng heo hơi trên thị trường. Nói khác đi, nó là cuộc chơi của các doanh nghiệp lớn có hệ thống chăn nuôi công nghiệp, có khả năng điều tiết thị trường, điều hành giá và làm chủ cuộc chơi này.
Khi Chính phủ có chỉ thị giảm giá heo hơi xuống dưới 70.000 đồng/kg thì ngay lập tức các doanh nghiệp này đã thay đổi phương thức kinh doanh bằng cách giết mổ gia công, qua kiểm dịch và bán thẳng ra thị trường, thoát khỏi giá xuất heo hơi vượt 70.000 đồng/kg, lợi nhuận vẫn thu được bằng kinh doanh thịt tươi, còn thị trường được gánh chịu bởi người tiêu dùng. Các nông hộ chăn nuôi nép theo đường dẫn của các đại gia lại có lợi tức, nên cũng an lòng với đồng lợi nhuận có được. Thực tế cho thấy, với giá heo giống cao chót vót thì các nhà chăn nuôi lớn sở hữu đàn heo giống, heo nái lại thu thêm một phần mà các nông hộ phải mua heo con đưa vào nuôi lớn.
Trong một số trường hợp, các biến tướng của chênh lệch giá mua bán heo hơi lại có những kỹ xảo chung ngoài hóa đơn để vẫn bảo toàn được lợi nhuận. Nói chung, việc dẫn dắt giá thị trường có nhiều cách thoát mà các cơ quan quản lý bị qua mặt một cách đương nhiên, hợp lý, đổ thừa cho khâu trung gian, thương lái!
* Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của giải pháp tăng nhập khẩu thịt heo?
* Khi cho phép nhập khẩu heo sống với quy định cách ly 30 ngày, sự chênh lệch giá của thị trường gốc đã là nguồn kích thích cho heo Thái Lan thẩm lậu qua các ngả biên giới Lào, Campuchia vào ào ạt. Đổi lấy sự xoa dịu thị trường phần nào qua việc giảm giá chút ít, là mầm móng của dịch bệnh lan tràn, không thể cải thiện môi trường chăn nuôi an toàn sinh học của đất nước.
Ở lĩnh vực nhập khẩu thịt đông lạnh, thịt mát bán trên thị trường lại là một vấn đề mới nữa. Giá nhập khẩu thấp chênh lệch với thị trường quá cao làm người nhập khẩu lại nép theo giá bán, có thấp hơn đôi chút nhưng không đủ sức hấp dẫn thị trường thay đổi tập quán, do vậy việc nhập thịt cũng bị vô hiệu hóa. Với những yếu tố nêu trên, tuy không có cơ sở số liệu để chứng minh thì cứ đổ lỗi cho mất cân đối cung - cầu là dễ nhất. Người tiêu dùng vẫn cay đắng và thúc thủ trước sự tăng giá bất chấp của thịt heo. Có thể nói sự tung hoành về giá heo hơi được đặt để dưới nhiều kỹ thuật và xảo thuật mà người tiêu dùng là khâu gánh chịu cuối cùng và thiệt thòi nhất.
Cần chính sách hỗ trợ con giống để phát triển tổng đàn
* Ông có đề xuất gì để chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình tái đàn, đáp ứng đủ nguồn cung thịt heo vào dịp mua sắm cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới?
* Còn 8 tháng nữa mới đến Tết Tân Sửu, có nghĩa là chúng ta còn đến 2 chu kỳ của chăn nuôi heo thịt. Để kịp thời tái đàn đáp ứng nguồn thịt cho tết, chúng ta nên khẩn trương hơn bao giờ hết, trong ngắn hạn trước mắt, các việc sau đây phải làm rốt ráo, không nên chần chờ. Thứ nhất, cần có ngay chính sách hỗ trợ chăn nuôi từ con giống, thức ăn gia súc, các dịch vụ thú y và có trước giải pháp bảo vệ giá tối thiểu có lãi để tạo niềm tin khuyến khích tái đàn. Thứ hai là hạn chế tối đa các mệnh lệnh hành chính trong bình ổn thị trường thịt heo, không luôn đề cao vị trí thịt heo trong khẩu phần bằng sự quan tâm thái quá của Nhà nước, tạo nên hiệu ứng thiếu tích cực trong giá mua bán heo.
Về giá heo, theo tôi nên để cho quy luật cung cầu tự nhiên phát triển. Nhà nước nên đi sâu vào kiểm soát theo giá cạnh tranh và giá thành xuất xưởng như các nước phương Tây và Mỹ đang làm, người sản xuất phải cạnh tranh giá và khống chế giá bán bằng giá xuất chuồng + lãi theo biên độ rộng, ai bán vượt giá khung sẽ bị chi phối bởi thuế. Khi mà chúng ta quá tập trung vào biện pháp hành chính ra những văn bản để chốt giá, thì vô tình tạo nên vị trí để họ làm giá thêm mà thôi. Hãy để nó điều tiết một cách tự nhiên.
Thứ ba, hướng dẫn người tiêu dùng chuyển hướng sử dụng loại thịt khác, hoặc thịt nhập khẩu. Phải kiểm soát giá bán của thịt nhập để thật sự khuyến khích tiêu dùng bằng giá rẻ hợp lý. Ngăn chặn việc lạm dụng giá heo trong nước cao để thịt nhập khẩu khai thác lợi nhuận bằng nép giá. Tự thân giá heo nội địa quá cao, người tiêu dùng sẽ hạn chế sử dụng, giá thịt sẽ giảm giá dần để tự điều tiết về giá hợp lý. Trong lộ trình đó, chăn nuôi phát triển sẽ bù đắp thiếu đàn và giúp cho sản lượng tăng lên, hy vọng phục vụ tốt cho nhu cầu tết.
6 giải pháp phát triển ngành chăn nuôi heo Ông Văn Đức Mười nhấn mạnh vào 6 giải pháp: Thứ nhất, chăn nuôi cần tổ chức theo hướng lớn mạnh về quy mô, đủ sức cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu. Nhà nước phải đầu tư đúng mức bằng các cơ chế, chính sách phù hợp. Thứ 2, tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng lợi thế, đầu tư công nghệ cao, ứng dụng các công nghệ sinh học trong môi trường chăn nuôi, sản xuất và tiêu thụ phát triển thị trường theo chuỗi khép kín, tạo dựng và đảm bảo môi trường dịch tễ, môi trường an toàn sinh học dịch tễ trong chăn nuôi. Thứ 3, tổ chức hình thành và xây dựng hệ thống giống gốc cụ kỵ (GGP), ông bà (GP)…, các thế hệ giống thuần phục vụ cho ngành chăn nuôi heo phát triển. Tăng cường nguồn lực thú y kiểm soát môi trường dịch tễ và an toàn sinh học trong chăn nuôi. Chủ động trong phòng ngừa dịch bệnh, trong vaccine tiêm chủng. Thứ 4, có chính sách trong dự trữ thịt đông lạnh, điều tiết xuất nhập khẩu thịt hợp lý thông qua hàng rào kỹ thuật. Thứ 5, xây dựng lộ trình giảm giá thịt thông qua nâng cao năng suất chăn nuôi, tăng quy mô phát triển, thay đổi chuyển dần cơ cấu chăn nuôi sang công nghiệp lớn, chăn nuôi trang trại. Thứ 6, có biện pháp nghiệp vụ trong kiểm soát cạnh tranh giá bán, tránh sự nhũng lạm thị trường khi công ty lớn nắm giữ sản lượng chăn nuôi. Trong thực tế có nhiều yếu tố tác động đến ngành chăn nuôi, vai trò chủ đạo của Nhà nước là bằng những chính sách hữu hiệu tháo gỡ những nút thắt nội tại, tận dụng lợi thế vùng miền, quyết tâm tái cấu trúc ngành chăn nuôi, tạo được vùng an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, phải có biện pháp kiểm soát môi trường cạnh tranh giá phù hợp, vừa kích thích được chăn nuôi phát triển tái đàn, ổn định giá cả thị trường, vừa đảm bảo giá thành, người chăn nuôi luôn có lãi hợp lý. Đó chính là động lực để phát triển và ổn định lâu dài, sẽ dần dà từng bước loại bỏ tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại. |