
Ngày 21-2, tại một số chợ dân sinh và đại lý gạo ở Hà Nội, giá nhiều loại gạo đã giảm đáng kể so với trước Tết Nguyên đán. Loại gạo tám Điện Biên đã giảm từ 196.000 đồng/10kg xuống còn 190.000 đồng/10kg. Bà Liên, một người tiêu dùng ở quận Thanh Xuân cho rằng, dù mức chênh lệch không quá lớn, nhưng đây vẫn là tín hiệu tích cực đối với người tiêu dùng khi giá gạo xuất khẩu của các nước đều cùng giảm.
Không chỉ các hộ gia đình, chủ các quán cơm bình dân cũng hưởng lợi từ đợt giảm giá này. Chị Hoa, chủ một quán cơm ở quận Đống Đa, chia sẻ với lượng tiêu thụ 20-30kg gạo mỗi ngày, cửa hàng của chị có thể tiết kiệm được 60.000 đồng/ngày (tiền gạo), tương đương 1,8-2 triệu đồng/tháng.
Chị Thu Trang (ở quận Hoàng Mai) khá bất ngờ khi hôm nay ra đại lý gạo tám Thái, giá giảm 20.000 đồng/10kg so với trước tết.
Khảo sát tại Hà Nội cho thấy giá nhiều loại gạo đã giảm dao động 6.000-20.000 đồng/10kg. Cụ thể, gạo Bắc Hương đang được bán ở mức 185.000 đồng/10kg, gạo Lài Nhật 197.000 đồng/10kg, gạo Thái xanh 175.000 đồng/10kg, gạo Thái đỏ 170.000 đồng/10kg, gạo tám Điện Biên và gạo Hải Hậu cùng đứng ở mức 190.000 đồng/10kg, gạo Lài mới 170.000 đồng/10kg, gạo BC 145.000 đồng/10kg và gạo Khang Dân 140.000 đồng/10kg.

Cách đây 1-2 tuần, khảo sát của PV Báo SGGP tại các siêu thị ở Hà Nội, gạo tám Hải Hậu niêm yết giá 205.000 đồng/bao 10kg, gạo Bắc Hương là 220.000 đồng/bao 10kg…
Tìm hiểu của Báo SGGP, tại TPHCM và khu vực phía Nam, xu hướng giảm giá cũng diễn ra tương tự với mức giảm khoảng 1.000-2.000 đồng/kg. Chẳng hạn, gạo thơm Lài dẻo, gạo tấm nở xốp, gạo tấm thơm có giá rẻ nhất là 180.000 đồng/10kg, gạo nở mềm 190.000 đồng/10kg, gạo Nàng Hoa 220.000 đồng/10kg, gạo Hương Lài bún 250.000 đồng/10kg.
Các đại lý nhập gạo giá thấp hơn nên tiểu thương cũng bắt đầu điều chỉnh giá bán. Tuy nhiên, mức giảm còn phụ thuộc vào từng cửa hàng và thời điểm nhập hàng. Một số đại lý vẫn giữ nguyên giá cũ, trong khi những nơi đã nhập hàng mới thì đã bắt đầu giảm giá ngay.
Trao đổi với PV Báo SGGP, một số người tiêu dùng thông tin, hiện tại chỉ giảm giá đối với các loại gạo thường, còn các loại gạo đặc sản (cao cấp) vẫn chưa giảm giá. Một trong những nguyên nhân là do nguồn cung hạn chế và lượng khách hàng chủ yếu thuộc phân khúc ít nhạy cảm với giá cả.
Trong khi giá gạo tại chợ và đại lý đã giảm thì tại một số siêu thị, giá bán vẫn chưa có sự điều chỉnh đáng kể. Nguyên nhân là do các hợp đồng cung ứng dài hạn giữa siêu thị và nhà phân phối chưa đến thời điểm điều chỉnh, đồng thời các siêu thị chủ yếu kinh doanh các loại gạo trung và cao cấp, vốn ít biến động giá hơn.
Việc giá gạo bán lẻ trong nước giảm trong những ngày gần đây có thể xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh từ đầu năm 2025, tạo áp lực giảm lên giá bán trong nước. Thứ hai, sau cao điểm tiêu dùng dịp tết, nhu cầu mua gạo có xu hướng giảm, khiến tiểu thương phải điều chỉnh giá để kích cầu. Thứ ba, một số đại lý nhập được gạo với giá thấp hơn và bắt đầu xả hàng tồn kho.