Mạng xã hội, nhất là Facebook, mở ra nhiều cơ hội giao lưu, gắn kết với cộng đồng và cả thế giới. Nhưng lạm dụng sẽ gây nhiều hiểm họa, tạo mâu thuẫn, bất hòa, thậm chí phá vỡ hạnh phúc gia đình. Gia đình thời hiện đại phải thích ứng, tạo kháng thể như thế nào để bảo vệ sự bình yên của mái ấm?
Gần mà xa…
Từ khi gia đình anh Thắng, chị Hồng quyết tâm sắm đủ cho mỗi người một thiết bị thông minh như iPhone, iPad thì nề nếp trong nhà bị đảo lộn. Trong bữa ăn, con cái tranh thủ dán mắt vào chiếc điện thoại đời mới phiêu du với phây, thế giới ảo mà không nghe ông bà, cha mẹ nhắc nhở. Sau bữa ăn, vợ chồng, con cái lại tìm thú vui trong iPhone, iPad chứ không còn tập trung ở phòng khách, xem tivi, bàn chuyện phim hay thời sự như trước. Theo bà Hạnh, mẹ anh Thắng, thế hệ già sống bình yên, nề nếp, bữa ăn gia đình ấm cúng, mọi người thân thiện, chuyện trò ríu rít. Còn bây giờ, dù sống chung nhưng mỗi người một thế giới riêng, mối quan tâm riêng và thích kết nối những người trong cuộc sống ảo. Bà Hạnh bộc bạch nỗi buồn sâu thẳm: “Cả khi đại gia đình tụ tập dịp cúng giỗ, lễ Tết thì bọn trẻ lẫn người lớn cũng chúi vào điện thoại, chẳng ai nói chuyện với ai. Thật khó chấp nhận”.
Nhiều gia đình bị trào lưu Facebook xâm thực dẫn đến xào xáo, bất hòa, thậm chí xích mích, mâu thuẫn căng thẳng, bắt nguồn từ những câu chuyện, hình ảnh riêng tư lẫn nhận xét về người thân, dòng họ bị phơi bày giữa bàn dân thiên hạ. Từ những cuộc khẩu chiến trên Facebook, nhiều gia đình rạn nứt tình thân. Chị T.Hoàng (Q.Bình Tân, TPHCM) cho biết: “Trong nhà tôi, mỗi khi gặp nhau, bọn trẻ con cô, chú, bác hay tâm sự chuyện riêng của tuổi teen. Có lần do hiểu sai ý nhau, các cháu lên Facebook chỉ trích nhau khiến chuyện bé xé ra to. Mấy cô em dâu lại đổ dầu vào lửa, lên mạng trách móc các cháu lẫn người sinh thành... Thế là xảy ra xích mích, bất hòa không đáng có. Người lớn phải ngồi lại phân tích giảng hòa, bọn trẻ mới chịu làm lành. Từ tai nạn do mạng xã hội này, đại gia đình chúng tôi họp khẩn và ra “tối hậu thư”, mọi người phải cẩn thận, không được đưa những thông tin, hình ảnh riêng tư lên Facebook để ảnh hưởng tình cảm gia đình”.
Rạn nứt, ly hôn… vì “phây”
“Thời chưa có smartphone, vợ chồng tôi sống chân tình, hiểu nhau và luôn sẻ chia những điều nhỏ nhất. Nhưng từ khi tôi tặng vợ chiếc iPhone vào dịp sinh nhật cô ấy thì tai họa ập xuống, lấy đi sự bình yên, ấm cúng vốn có. Để theo kịp nhịp sống hiện đại, vợ tôi thay đổi lối sống và quan điểm sống. Cô ấy chỉ thấy thế giới ảo có ý nghĩa và bị nó hút hồn. Không chỉ quan tâm bạn bè trên Facebook, cô ấy còn thể hiện cái tôi, khoe khoang đủ thứ trước bàn dân thiên hạ khiến tôi xấu hổ. Không chỉ tốn thời gian, chụp hình đưa lên Facebook, cô ấy còn bỏ bê việc nhà, chểnh mảng chăm sóc chồng con. Tôi nhiều lần khuyên nhủ, cả giận dỗi và đòi chia tay nhưng cô ấy không thay đổi. Ngay cả con tôi ở tuổi teen cũng không đam mê Facebook như cô ấy. Vì không thể khuyên nhủ được vợ, tôi phải làm đơn chia tay để tìm sự bình yên, chỗ dựa mới cho gia đình, con cái”, tâm sự của một kỹ sư có vợ nghiện Facebook quá mức.
Một thẩm phán ở Q.Bình Thạnh, TPHCM, cho biết bà đã thụ lý vụ ly hôn này và không thể giảng hòa vì người vợ nghiện Facebook nặng và bảo vệ cái tôi của mình. Bà cảnh báo Facebook đang xâm thực, bào mòn giá trị gia đình truyền thống, làm rạn nứt hôn nhân. Nếu các bà vợ thời @ lạm dụng mạng xã hội, quên nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ thì đây sẽ là nguy cơ gây rạn nứt, đổ vỡ hôn nhân. Hơn nữa, họ cũng làm gương xấu cho con cái khi sử dụng mạng xã hội không có điểm dừng và bị phụ thuộc.
Theo các chuyên gia, lạm dụng Facebook sẽ rước hiểm họa, gây bất hòa, xào xáo trong gia đình, kể cả tạo vết nứt hôn nhân. Khảo sát gần đây ở Anh cho thấy Facebook chịu trách nhiệm hơn 20% vụ ly hôn. Tương tự, ở nhiều quốc gia phát triển, người ta cũng cảnh báo tác nhân gây ra nhiều vụ ly hôn là mạng xã hội. Thực tế này minh chứng sự xâm thực của trào lưu “phây” đang gây nhiều hệ lụy cho gia đình thời hiện đại.*
THỤC ANH