Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng đại diện Ủy ban Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu trao thưởng đến nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư |
Tham dự có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM cùng đại diện các hội, trung tâm, nhà xuất bản.
Tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” ra đời nhân dịp Kỷ niệm 325 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM (1698-2023).
Đây là tác phẩm mang đậm dấu ấn nghiên cứu và sưu tầm tư liệu cổ quý giá của cá nhân nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Tác phẩm bao gồm 6 phần chính, được chia thành 2 tập, mốc thời gian tập 1 từ năm 1698-1945, tập 2 từ năm 1945-2020.
Tác phẩm là công trình dày công nghiên cứu trên 20 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Tác giả đã dày công đi khắp các thư viện ở TPHCM để tập hợp tài liệu, hoàn thành tác phẩm với mong muốn cung cấp thông tin đến mọi người về lịch sử từ thời đại tiền sử cho đến TPHCM hiện nay.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã thay mặt lãnh đạo thành phố chúc mừng tác giả đoạt giải, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá cao tác phẩm đoạt giải và cho rằng đây là những công trình nghiên cứu khoa học lịch sử nghiêm túc với tâm huyết lớn về văn hóa Nam Bộ nói chung và TPHCM nói riêng.
Qua đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đánh giá cao Ủy ban Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu và hội đồng khoa học đã làm việc tích cực, công tâm để phát hiện và trao giải cho tác phẩm có chất lượng cao nhất. Tác phẩm đoạt giải sẽ là kho dữ liệu quý, giúp làm nền tảng bổ ích, áp dụng quy hoạch đúng chính sách văn hóa – xã hội của nước nhà.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi lễ |
Đại diện Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu thông tin, giải thưởng Trần Văn Giàu được thành lập tháng 1-2002 theo nguyện vọng của cố GS Trần Văn Giàu. Giải thưởng được trao cho các công trình thuộc lĩnh vực lịch sử và lịch sử tư tưởng tại Nam bộ và cực Nam Trung bộ (từ Ninh Thuận đến Cà Mau).
Các tác phẩm được giải đều là các sản phẩm có chất lượng cao, giá trị tốt, có sức lan tỏa, góp phần làm giàu đẹp thêm trí tuệ và văn hóa Việt Nam. Tác phẩm đoạt giải sẽ do hội đồng bình chọn giải thưởng xét duyệt hàng năm. Nhưng đến nay, thể loại lịch sử tư tưởng vẫn chưa có người nhận kể từ khi giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu ra đời.