Ngay sau khi nhận được đơn của gia đình ông Hồ Quang Cua, Tổng cục QLTT đã có văn bản chỉ đạo cục QLTT các tỉnh, thành phố rà soát, thẩm tra, xác minh các nội dung mà doanh nghiệp phản ánh tại hồ sơ đối với các cơ sở bị cho là vi phạm trên địa bàn quản lý của các cơ quan này.
Theo gia đình ông Hồ Quang Cua, trên bao bì của một số sản phẩm gạo ở thị trường nội địa hiện đang sử dụng dòng chữ “The World’s Best Rice” (gạo ngon nhất thế giới) mà Tổ chức Thương nhân lúa gạo toàn cầu (TRT) đã cấp cho sản phẩm gạo của gia đình ông. Đây cũng là cụm từ gia đình ông đã đăng ký độc quyền tại Mỹ.
Tuy nhiên, theo quy định của Việt Nam, cụm từ này không thể được bảo hộ độc quyền trong nước, dẫn đến khó khăn cho lực lượng QLTT trong việc xử lý các đối tượng mà gia đình ông Hồ Quang Cua cho là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm của gia đình ông. Theo ông Hồ Quang Cua, giống lúa ST25 đã được Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp bằng bảo hộ cho tác giả Hồ Quang Cua và đồng tác giả Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương.
Hiện gia đình ông Hồ Quang Cua mới có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gạo cho sản phẩm “SR SOC RICE”. Các nhãn hiệu khác là “Gạo ông Cua”, “Gạo ST” đã nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ nhưng đang trong quá trình chờ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tổng cục QLTT đã trao đổi, hướng dẫn gia đình ông Hồ Quang Cua hoàn thiện hồ sơ để bảo hộ 2 nhãn hiệu này, phòng chống tình trạng giả, nhái nhãn hiệu gạo này.
Trước đó, vào tháng 4, 5, nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 từng bị một số doanh nghiệp ở Mỹ và Australia sử dụng để đăng ký sở hữu nhãn hiệu tại các quốc gia này.