Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục – Đào tạo; Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TPHCM; TS Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm; TS Đào Lê Hòa An, chuyên gia tâm lý học; đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo và nhiều trường đại học, THPT tại TPHCM, tỉnh Đồng Tháp…
Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương xảy ra tình trạng các nhóm thanh thiếu niên hành xử kiểu côn đồ, manh nha hình thành các băng nhóm gây nguy cơ bất ổn xã hội; trong đó có cả một số học sinh tham gia và xảy ra ở ngay trong môi trường giáo dục. Vụ “băng áo cam” gây rối trật tự công cộng, đập phá quán nhậu Ốc Hương ở quận Bình Tân (TPHCM), cố ý gây thương tích cho thực khách trong quán; vụ băng nhóm thanh thiếu niên kéo nhau vào trường học bắt 2 học sinh ở tỉnh Đồng Tháp mang đi để hành hung xuất phát từ mâu thuẫn… là một số vụ việc điển hình.
Theo số liệu của Bộ Công an, trong giai đoạn 2018-2020, trên cả nước đã ghi nhận 10.786 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.583 đối tượng. Trong đó, nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm 95%. Riêng năm 2020 đã xảy ra 4.262 vụ, với 6.588 đối tượng phạm pháp.
Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng thông tin, từ năm 2018 đến hết quý 1-2021, trên địa bàn TPHCM xảy ra 516 vụ phạm pháp hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện; bao gồm giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng, mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy… Công an TPHCM đã bắt giữ, xử lý 884 đối tượng bằng các hình thức xử lý hình hình sự, xử phạt vi phạm hành chính, tiếp tục điều tra. Trong 884 đối tượng, có 553 đối tượng đã bỏ học; độ tuổi dưới 14 chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm 27,26%, dưới 18 tuổi chiếm 69,12%. Riêng trong quý 1-2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 52 vụ phạm pháp hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện, Công an TPHCM bắt xử lý 110 đối tượng (nam 107, nữ 3).
Nói về nguyên nhân dẫn đến người trẻ phạm tội, Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng cho rằng: Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, cha mẹ bận rộn với các mối quan hệ xã hội; những gia đình khó khăn thì cha mẹ phải mưu sinh kiếm sống nên không có thời gian gần gũi con cái, chia sẻ những phát sinh tâm lý và việc học với con, từ đó không phát hiện con mình bỏ học, tụ tập, bị các đối tượng xấu lôi kéo vào hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa lành mạnh dành cho độ tuổi học sinh do các đoàn thể tổ chức chưa thu hút được sự tham gia của các bạn trẻ. Đồng thời trẻ em bị tác động bởi phim ảnh, phương tiện giải trí, mạng xã hội… Cũng có tình trạng đáng báo động là người lớn xúi giục trẻ em dưới 14 tuổi trộm cắp tài sản, tuy nhiên việc chứng minh kẻ gian "mượn tay” trẻ em phạm tội gặp khó khăn.
Để xảy ra tình trạng trên, theo các chuyên gia về pháp luật, tâm lý, giáo dục, các nhà xã hội học thì có trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Do đó, theo ông Nguyễn Quang Thông, Tổng Biên tập Báo Thanh niên, xã hội phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc định hướng lối sống, văn hóa, đạo đức cũng như nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên.
Thầy Nguyễn Minh Trí, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đốc Binh Kiều (huyện Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), cho biết nhà trường có thể tổ chức hoạt động, sân chơi để nắm bắt tâm lý học sinh trong thời gian các em ở trường. Tuy nhiên, khi các em ở nhà thì cần thêm sự phối hợp của gia đình trong việc chủ động quan tâm, nắm bắt tâm lý bất thường của các em (nếu có) để cùng nhà trường kịp thời có giải pháp phù hợp.
Theo TS Đoàn Văn Báu, tội phạm ở độ tuổi thanh thiếu niên hiện nay không dừng ở các loại tội phạm truyền thống (giết người, xâm phạm sở hữu tài sản…) mà còn xuất hiện ở lĩnh vực công nghệ cao. TS Đoàn Văn Báu cho rằng Bộ GD-ĐT phải có sự thay đổi về chương trình giáo dục, tăng cường kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có kỹ năng phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền giá trị sống tốt đẹp đến giới trẻ.
Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, để ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội, phải có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía. Bộ Giáo dục - Đào tạo cần thay đổi chương trình giáo dục, tăng cường kỹ năng sống cho học sinh, (trong đó có kỹ năng phòng chống tội phạm), đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến với học sinh bằng các hình thức thu hút hơn...