Gia đình người Chăm một lòng theo Đảng

Tỉnh Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số đang sinh sống. Những năm qua, nhiều chương trình, dự án cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, triển khai hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Chăm ngày càng được nâng lên. Ngày càng có nhiều người Chăm phấn đấu vào Đảng.

Gia đình người Chăm một lòng theo Đảng

Tại khu phố 2, phường 1, TP Tây Ninh, nơi cộng đồng người Chăm sinh sống khá đông đúc, không ai không biết đến gia đình ông Chàm Mít, một gia đình có đến 6 đảng viên. Ông Chàm Mít (sinh năm 1952, ảnh), được đứng vào hàng ngũ của Đảng từ năm 1997, sau thời gian làm công an bán chuyên trách tại địa phương. Hoàn cảnh thiếu thốn khiến bà con dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Chăm tại phường 1 nói riêng chỉ lo tới cái ăn trước mắt, không mấy nhà cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng, ông Chàm Mít luôn cương quyết cho con đến trường, mặc bao cái đói, cái khổ và những lời ra tiếng vào. Với những tư tưởng tiến bộ và có niềm tin tuyệt đối vào Đảng, ông đã giáo dục, định hướng để 5 người con của mình đều được học hành đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định. Ông Chàm Mít tâm sự: “Tôi rất tự hào khi trở thành đảng viên đầu tiên trong đồng bào dân tộc Chăm nơi tôi sinh sống và trở thành tấm gương cho các cháu noi theo sau này. Cũng từ đó mà tôi vận động và định hướng các con tôi phấn đấu, để được đứng vào hàng ngũ của Đảng như ngày hôm nay”.

Việc cho các con đi học đầy đủ đã khó, việc để các con đều đứng vào hàng ngũ của Đảng lại càng khó hơn. Nhớ lại chuyện xưa, chị Thị Sa Fi, một trong những cô con gái của ông Chàm Mít, cho biết, ba của chị đã phải suy nghĩ rất nhiều khi đưa ra quyết định cho các con tiếp tục đi học trong bối cảnh tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của một số bà con dân tộc, đặc biệt là khi ông có đến 4 người con gái. Chị Thị Sa Fi chia sẻ: “Người ta hỏi tôi là nữ mà học nhiều để làm gì, phụ nữ thường chỉ cần đảm đang việc nội trợ, chăm lo gia đình. Học để làm gì thì đến bây giờ đã có câu trả lời. Học để có được công ăn việc làm ổn định, học để có kiến thức cho mình và đóng góp cho xã hội”.

Chị Sa Fi hiện đang công tác tại Văn phòng Đảng ủy phường 1. Con gái lớn của ông Chàm Mít là Thị Saly Has hiện là giáo viên của Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Em gái là Ên Ha Sina đang làm Trưởng khu phố 2, phường 1. Em gái út Ên Thị Mây Ghiêm hiện làm việc tại Trạm Y tế phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh. Cả 4 chị em gái đều là những đảng viên tiêu biểu của địa phương.

Việc được kết nạp vào Đảng đối với đồng bào dân tộc thiểu số là vinh dự không chỉ của cá nhân mà còn của cả làng xóm. Đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số đã tận tâm, tận lực, cống hiến không ngừng để xây dựng địa phương, quê hương ngày càng giàu đẹp. Mới đây, gia đình ông Chàm Mít càng thêm tự hào khi có thêm thành viên được kết nạp vào Đảng, đó là cậu em út Ên Ha Siêm. Hiện Ên Ha Siêm đang là dân quân tự vệ nòng cốt tại phường 1, tiếp nối những truyền thống tốt đẹp mà cha và các chị đã, đang thực hiện. Mỗi người mỗi việc, nhưng tất cả đều mang lại những giá trị riêng cho cộng đồng và xã hội. Anh Ên Ha Siêm nói: “Là một đảng viên mới trong gia đình, tôi rất phấn khởi và vui mừng. Tôi sẽ cố gắng phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp của gia đình mình”.

Hiện nay, đa số thanh niên dân tộc Chăm ở Tây Ninh đều là lao động tự do, đi làm xa nhà nên không có thời gian sinh hoạt tại địa phương. Nhiều người đáp ứng được trình độ văn hóa thì lại không đáp ứng được lý lịch chính trị và ngược lại, nên việc tạo nguồn, phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số là không hề dễ dàng. Do đó, theo ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường 1, TP Tây Ninh, Đảng ủy phường luôn quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc Chăm. Đảng ủy giao nhiệm vụ cho chi bộ, chi ủy cơ sở quan tâm, gắn bó với đồng bào Chăm để giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển con em người dân tộc Chăm vào Đảng.

Tin cùng chuyên mục