Gia đình là chốn bình yên

Covid-19 dường như đang cuốn phăng đi nhịp sống hối hả ngày thường. Khắp thế giới, người người nhà nhà đóng cửa khép mình, sống chậm lại vì dịch bệnh này. Và những lúc như vầy, nhiều người mới nhận ra rằng gia đình vẫn là nơi chốn bình yên nhất, là dịp để gần gũi, yêu thương, san sẻ với nhau nhiều hơn và cùng cảm nhận những giá trị khó có thể đong đếm được.
Gia đình thường xuyên quây quần là cách để giữ lửa hạnh phúc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Gia đình thường xuyên quây quần là cách để giữ lửa hạnh phúc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Một cuộc sống “khác”

“Mình lấy vợ đã 6 năm, nhưng ngày 31-3 vừa qua là lần đầu tiên mình chở vợ đi chợ. Chợ rất đông và có khi còn phải chen lấn, tranh nhau mua mấy món thực phẩm dự trữ trong nhà trước khi quy định “cách ly xã hội” có hiệu lực. Thú thực, mình không nghĩ đi chợ lại mệt như vậy”. Đó là chia sẻ của anh Huỳnh Huân (quận 2, TPHCM) sau lần cùng vợ đi chợ trong mùa dịch Covid-19. 

Làm quản lý bộ phận tại một doanh nghiệp bất động sản, công việc bận rộn cuốn anh Huân từ sáng sớm đến tối mịt. Đến khi trở về nhà, anh không còn hơi sức để ý đến việc nhà, việc cửa. Mọi công việc trong nhà đều do một tay chị Huyền - vợ anh sắp xếp. Thế nên sau 1 tuần làm việc tại nhà, anh Huân mới hình dung được công việc của vợ mình mỗi ngày diễn ra như thế nào, các con mình ở nhà ra sao. “Công nhận vợ mình giỏi thật, vừa có thể chợ búa, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng và đặc biệt chăm con ngoan ngoãn, vâng lời”, anh Huân cho hay. 

Hơn một tuần nay, anh Đào Bá Nam (quận Thủ Đức, TPHCM) tạm nghỉ việc do công ty ngừng hoạt động. Chỉ mới một tuần ở nhà với 2 cậu con trai 5 tuổi và 8 tuổi, nhưng anh đã than trời vì sự nghịch ngợm, hiếu động của con. “Không biết lúc mình không có nhà thì vợ mình làm sao xoay xở được với 2 ông trời con này”, anh Nam thắc mắc. Nghĩ đến điều này anh thấy thương yêu và trân trọng vợ mình hơn. Bỏ qua những bộn bề công việc, trong những ngày nghỉ dịch, anh dành thời gian cho các con nhiều hơn, tự chế ra các món đồ chơi, là các trò chơi gắn liền với ký ức tuổi thơ để cùng chơi với con. Thấy 3 bố con chơi với nhau cả ngày không biết chán, chị Oanh - vợ anh Nam mỉm cười: “Lâu lắm rồi mình mới thấy anh xã dành nhiều thời gian cho các con. Dịch bệnh tuy ảnh hưởng đến kinh tế nhưng những ngày này, gia đình mình bên nhau nhiều hơn, gắn bó với nhau hơn”.

Quả thật, một cuộc sống khác đang diễn ra khi mọi người hạn chế ra đường. Thông điệp “ai ở đâu ở yên đấy” được đưa ra, cũng là lúc người ta ở nhà nhiều hơn, bữa cơm gia đình vì thế cũng trở nên thường xuyên và đầy đủ các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Có những điều vốn “xa xỉ” với nhiều người trước đây, nay đã thành hiện thực. Không còn những bữa tiếp khách, không còn những buổi “trà dư tửu hậu”, cũng không còn mải miết giữa dòng xoáy xô bồ kim tiền. 

Giữ lửa ấm hạnh phúc

Sống chậm để thấu cảm hơn tình cảm gia đình, nhưng việc ở nhà quá lâu trong một không gian chật hẹp cũng có thể đối mặt với mối nguy nhàm chán, gây gổ, cãi vã. Và cộng đồng lại cùng nhau chia sẻ những cách thức “vượt qua mùa dịch” trong hòa bình, vui vẻ và tràn đầy năng lượng tích cực. 

Chị Trần Linh Giang (quận 12, TPHCM) chia sẻ trên một diễn đàn về những ngày nghỉ của mình như sau: “Trước đây, do công việc bận rộn nên bữa cơm hàng ngày của gia đình tôi khá đơn giản. Kể từ ngày tạm thời nghỉ việc, tôi tranh thủ sưu tầm, thử nghiệm nhiều món ăn ngon đãi ông xã và các con. Ngoài bữa chính, tôi ủ thêm sữa chua, nấu chè, làm bánh khiến ông xã và 2 nhóc mê tít. Mỗi lần chứng kiến chồng con chén sạch sẽ đồ ăn mình nấu và khen ngon không ngớt, mình cảm thấy rất vui và lại có động lực để tiếp tục “khai phá” khả năng bếp núc”. Dù bản thân bận rộn với bếp núc nhưng chị Giang cũng tìm cách giảm bớt thời gian nhàn rỗi của các thành viên trong gia đình. Hàng ngày, chị phân công nhiệm vụ cho mỗi người, khi mẹ nấu cơm thì bố sẽ rửa chén bát, các con sẽ thay nhau lau nhà, phơi quần áo. “Mỗi người một việc nên việc nhà cũng làm xong rất nhanh. Khi xong việc, bọn mình có thể cùng nhau ngồi xem một bộ phim yêu thích hoặc cùng chơi một trò chơi nào đó”, chị Giang nói.

Còn chị Mai Hương (quận Gò Vấp, TPHCM) lại chia sẻ phương pháp hạn chế các con mình xem nhiều tivi, điện thoại, máy tính trong mùa dịch bằng cách mua các đồ chơi trí tuệ, xếp hình, cờ cá ngựa… và chơi cùng các con. Ngoài ra, chị còn mua thùng xốp, đất, hạt giống… tận dụng khoảng trống trước cửa nhà để cùng các con trồng cây. Chị huy động các con giúp mẹ để vừa có rau sạch ăn, vừa dạy con giá trị của lao động. Chị nhận ra, khi dành thời gian gần gũi với con thì chị hiểu con hơn, nhận thấy những thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức của các con. “Dịch bệnh khiến con người rơi vào trạng thái sợ hãi, lo lắng nhưng cũng là lúc giúp nhiều người nhận ra những giá trị nhân văn sâu sắc ẩn chứa trong những điều giản dị thường ngày mà vô tình họ không để ý. Sống chậm lại không hẳn là tụt hậu mà để yêu thương nhau nhiều hơn, dành cho nhau nhiều thời gian hơn, cùng nhìn nhận lại cuộc sống và giúp mỗi người hiểu hơn về những giá trị thiêng liêng của tình cảm gia đình”, chị Mai Hương bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục