Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục là vấn đề cấp thiết, cần sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng. Vì gia đình là môi trường sống đầu tiên, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người cũng như là nơi chốn bình yên nhất của mỗi người. Do đó, mỗi gia đình, thành viên gia đình, nhất là những bậc cha mẹ, trước hết phải hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống xâm hại con, cháu của mình; sau đó phải trang bị cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn con, cháu những kiến thức, kỹ năng nhận diện, phòng chống các hành vi xâm hại trẻ em. Đây có thể coi là nền tảng quan trọng, thiết thực với việc phòng chống xâm hại trẻ em, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong 2 năm 2017-2018, toàn quốc có 3.221 trẻ bị bạo lực, xâm hại, trong đó có 2.690 trẻ bị xâm hại tình dục; trong 3 tháng đầu năm 2019 có 325 trẻ bị bạo lực, xâm hại. Thực tế, con số này có thể còn cao hơn nhiều. Phòng chống xâm hại trẻ em chính là để bảo vệ trẻ em, bảo vệ tương lai của mỗi gia đình, của đất nước. Điều này cần có sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, gia đình có vị trí vô cùng quan trọng, mà trước hết là những người cha, người mẹ phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại.
Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐTB-XH Đặng Hoa Nam cũng cho biết, số lượng các vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều. Tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em để làm cơ sở phòng ngừa và giải quyết nghiêm minh vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Mặt khác, các cơ quan chức năng tiếp tục truyền thông về các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, các nội dung phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên tiếng, thông báo ngay cho các cơ quan chức năng về các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em…
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, ngày 28-6, tại Hà Nội, Báo Người Hà Nội phối hợp Tạp chí Người Làm Báo tổ chức phát động cuộc thi ảnh “Mái ấm gia đình Việt”. Mỗi tác giả được gửi tối đa 10 ảnh (nếu là ảnh đơn) và 3 bộ ảnh (mỗi bộ không quá 6 ảnh) tới địa chỉ: Báo Người Hà Nội, 126 Nam Cao, Ba Đình, Hà Nội hoặc email: maiamgiadinhviet.nhn@gmail.com.