Theo VINACAS, trong năm 2017, xuất khẩu hạt điều đạt giá trị 3,62 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và đứng vị trị số 1 trong nhóm 5 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Hội đồng điều toàn cầu, niên vụ 2017 mặc dù sản lượng điều thô giảm 40% tại Việt Nam do ảnh hưởng từ mưa trái mùa vụ nhưng dự báo chung sản lượng điều toàn cầu không giảm do Ấn Độ và một số nước ở châu Phi được mùa. Từ đó, lượng điều thô mà các doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam phải nhập là 1,31 triệu tấn với giá bình quân 1.956 USD/tấn, cao nhất từ trước đến nay.
Về tình hình xuất khẩu năm 2018, VINACAS dự báo, do sản lượng điều xuất khẩu cao nhưng phần lớn điều thô được nhập chủ yếu từ các nước ở châu Phi nên hai tháng đầu năm 2018, giá điều thô ở các nước châu Phi tăng giá cao hơn 2.000 USD/tấn, thậm chí có nước tăng 2.100 USD/tấn.
Bên cạnh đó, giá điều thành phẩm không thể tăng được nữa vì đã đạt rất cao. Mặc khác, khâu sản xuất không thể giảm do chi phí nhân công không cao, chi phí bảo hiểm xã hội, khấu trừ hao hụt, lãi suất ngân hàng không thể giảm… Nếu các doanh nghiệp chế biến tiếp tục nhập khẩu điều thô thì sẽ không còn lợi nhuận.
Tuy nhiên, thời tiết năm nay khá thuận lợi nên sản lượng điều thô năm 2018 có thể tăng cao hơn so với năm 2017. Nhiều vườn điều đã ra hoa rất nhiều. Từ ngày 15 đến ngày 20 – 3 sẽ là thời điểm thu hoạch mùa vụ.
Bên cạnh đó, không chỉ riêng tháng 3 mà trong các tháng 4, 5 sản lượng điều vẫn thu hoạch được nhiều. Đồng thời, năm nay, nhờ sự phối hợp với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể thu mua điều thô được nhưng sản lượng vẫn không thể bằng với các nước ở châu Phi. Nhận định xuất khẩu hạt điều năm 2018 khó thể đạt được 4 tỷ USD.