Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 31-5, ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cảnh báo, tình trạng nhà xuất khẩu điều thô châu Phi “xù” hợp đồng do giá nguyên liệu biến động rất mạnh trong tháng qua (tăng gần 500USD/tấn), khiến nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng điều trên thị trường thế giới vào cuối quý 3, 4 và đầu năm 2025. Nếu điều này xảy ra, dẫn đến sự kiện tụng giữa doanh nghiệp kinh doanh điều nhân Việt Nam với nhà nhập khẩu, chiên rang, siêu thị quốc tế khi không thể giao hàng theo hợp đồng đã ký, ảnh hưởng uy tín, mất thị trường.
Theo VINACAS, thời gian gần đây, với quyết định tạm ngừng xuất khẩu điều thô của Bờ Biển Ngà (quốc gia xuất bán điều thô cho Việt Nam nhiều nhất ở châu Phi) khiến các lô hàng bị chậm trễ. Hiện tại, nhiều lô hàng điều thô về muộn với số lượng ít hơn hợp đồng nên các nhà chế biến Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến. Các container điều thô đang trên biển được chào bán với giá cao hơn nhưng để có đủ nguyên liệu thực hiện đúng hợp đồng nhằm bảo vệ uy tín, doanh nghiệp Việt Nam phải mua vì đã ký hợp đồng điều nhân giao xa trước đó.
Được biết, Hội đồng Hạt và Quả khô quốc tế (ANC) dự báo, sản lượng điều thô toàn cầu sẽ sụt giảm khoảng 7% do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, cùng với việc tạm ngừng xuất khẩu điều thô của Bờ Biển Ngà đã tạo ra sự biến động mạnh hiện nay.
Ông Tạ Quang Huyên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 (Bình Phước) cho biết, lợi dụng tình trạng này, một nhóm thương nhân Bờ Biển Ngà giữ hàng, đẩy giá lên, tác động hàng loạt doanh nghiệp khác làm theo, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp này ký hợp đồng từ đầu năm từ đối tác Tây Phi với 52.000 tấn điều thô, nhưng hiện nay chỉ nhận 25.000 tấn. Số còn lại yêu cầu tăng thêm giá, giảm chất lượng hàng...
Ông Cao Thúc Uy, Giám đốc điều hành Công ty Cao Phát, cho biết, đã tiên liệu trước điều này nhưng với giá tăng điên cuồng như hiện nay là điều không thể dự báo. Giá điều thô tăng 40%-45% trong khi giá điều nhân tăng chậm hơn, 30%-35%. Đây là sóng gió lớn nhất từ trước đến nay của ngành điều Việt Nam.
Để hạn chế những diễn biến xấu có thể diễn ra thời gian tới, ông Bạch Khanh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực VINACAS cho biết, Ban Chấp hành Hiệp hội thành lập tổ công tác gặp gỡ Chính phủ, các bộ (Công Thương, Ngoại giao, Tài chính) hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; làm việc với Vụ Hợp tác quốc tế gửi công văn một số nước Tây Phi xem xét gỡ bỏ lệnh tạm ngừng xuất khẩu điều thô. Trước đó, VINACAS cũng đã gửi công văn đến Hiệp hội các nhà xuất khẩu Bờ Biển Ngà, nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký. Với nhà nhập khẩu điều nhân, nếu doanh nghiệp Việt Nam không đủ nguyên liệu chế biến cần chủ động đàm phán, trao đổi để đối tác nắm rõ tình hình và có sự chia sẻ trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, Hiệp hội sẽ lập “danh sách đen” những đối tác điều thô cố tình vi phạm để cảnh báo cho cả ngành và cùng tẩy chay không mua hàng sau này. Không loại trừ trường hợp sẽ kiện ra tòa án quốc tế những doanh nghiệp Tây Phi không giao hàng, để cơ quan chức năng có biện pháp cưỡng chế những container hàng của đối tác đã vi phạm khi hàng đến cảng Việt Nam. Bên cạnh đó, VINACAS kiến nghị Bộ NN-PTNT có chính sách phù hợp phát triển cây điều trong nước, cũng như chính sách cải tạo giống để có chất lượng và năng suất cao hơn.
Hiện nay, lượng điều thô nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng 10% nhu cầu chế biến của nhà máy, khoảng 3,5 triệu tấn/năm, số còn lại phải nhập khẩu, trong số này, 70% là từ các nước Tây Phi.
Đến hết tháng 5-2024, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 1,55 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2023.