Giá điện mới: Sử dụng nhiều, “hưởng” giá cao

Trợ giá cho hộ nghèo, chính sách
Giá điện mới: Sử dụng nhiều, “hưởng” giá cao

Từ hôm nay (16-3), các đơn vị điện lực sẽ đồng loạt triển khai chốt chỉ số toàn bộ công tơ bán điện với tất cả khách hàng để tính hóa đơn theo biểu giá điện mới. Ngoài các hộ nghèo, hộ chính sách ít bị tác động, các đối tượng còn lại phải chịu giá điện ở mức khá cao.

Các hộ nghèo trên cả nước sẽ được hỗ trợ thêm 153 tỷ đồng khi giá điện tăng. Ảnh: CAO THĂNG

Trợ giá cho hộ nghèo, chính sách

Theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT của Bộ Công thương quy định về giá bán điện có hiệu lực từ ngày 16-3, với mức tăng 7,5%, mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,01 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Biểu giá điện chi tiết được áp dụng với 8 nhóm đối tượng khách hàng, trong đó, riêng giá bán lẻ điện sinh hoạt có 6 bậc thang tính theo lũy tiến. Ngoài ra, biểu giá điện lần này có tính đến ảnh hưởng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách. Vì vậy, kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội dự kiến tăng thêm mỗi năm là 153 tỷ đồng (hiện tại khoảng 1.000 tỷ đồng). Ngoài ra, biểu giá lần này cũng đã tính đến mức tăng điện sinh hoạt cho các hộ dân có mức tiêu thụ điện năng sinh hoạt thấp với mức tăng cho 50kW đầu tiên là 6,92% từ 51 đến 100kW là 6,98% thấp hơn mức tăng bình quân 7,5%. Tuy nhiên, đối với đối tượng khách hàng khi sử dụng điện sinh hoạt từ kWh thứ 401 trở lên, các hộ gia đình sẽ phải chi trả đơn giá 2.587 đồng/kWh; trong khi đó, đơn giá đắt nhất cho khối sản xuất là 2.735 đồng/kWh và cho khối kinh doanh là 3.991 đồng/kWh.

Cụ thể, ở nhóm bán lẻ điện sinh hoạt gồm: Bậc 1 (0 - 50kWh) có đơn giá 1.484 đồng/kWh; bậc 2 (từ 51 - 100kWh) có đơn giá 1.533 đồng/kWh; bậc 3 (từ 101 - 200kWh) có đơn giá 1.786 đồng/kWh; bậc 4 (từ 201 - 300kWh) có đơn giá 2.242 đồng/kWh; bậc 5 (từ 301 - 400kWh) có đơn giá 2.503 đồng/kWh và bậc 6 áp dụng cho kWh 401 trở lên có đơn giá 2.587 đồng/kWh. Về mức giá cho các ngành sản xuất, các cấp điện có đơn giá khác nhau tùy vào giờ bình thường, thấp điểm hay cao điểm. Theo đó, với cấp điện áp từ 110kV trở lên, mức giá cho giờ cao điểm là 2.459 đồng/kWh và thấp điểm là 869 đồng/kWh; bình thường là 1.388 đồng/kWh. Trường hợp cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV, giờ cao điểm phải trả tới 2.556 đồng/kWh, giờ bình thường là 1.405 đồng/kWh và giờ thấp điểm là 902 đồng/kWh. Nếu cấp điện áp từ 6kV đến dưới 22kV thì trong giờ cao điểm, mức giá sẽ cao hơn là 2.637 đồng/kWh, thấp điểm là 934 đồng/kWh và giờ bình thường là 1.453 đồng/kWh. Đối với những hộ kinh doanh, doanh nghiệp sự dụng cấp điện áp dưới 6kV thì mức giá sẽ cao hơn, với giờ thấp điểm là 983 đồng/kWh; giờ bình thường là 1.518 đồng/kWh và giờ cao điểm là 2.735/kWh. Với khối hành chính sự nghiệp, đơn giá cao nhất áp dụng cho đối tượng khách hàng này là 1.671 đồng/kWh và thấp nhất 1.460 đồng/kWh. Trong khung giá bán buôn điện nông thôn, mức giá dành cho mục đích sinh hoạt được bán thấp hơn so với giá bán lẻ sinh hoạt đáng kể.

Với bậc thang thứ 6 (từ 401kWh trở lên), nhóm khách hàng này được áp dụng đơn giá rẻ hơn so với giá bán lẻ điện sinh hoạt cùng bậc thang là 559 đồng/kWh, ở mức 2.028 đồng/kWh.

Tăng giá để bù lỗ

Trong biểu giá điện bán lẻ điện mới, khối kinh doanh bị tác động tương đối mạnh. Cụ thể, trong 3 cấp điện áp, đơn giá cao nhất khách hàng phải trả là 3.991 đồng/kWh khi sử dụng cáp diện áp dưới 6kV vào giờ cao điểm và thấp nhất 1.185 đồng khi sử dụng cấp điện áp từ 22kV trở lên vào giờ thấp điểm. Riêng với cấp điện áp từ 22kV trở lên, khối kinh doanh sẽ phải trả đơn giá cho giờ bình thường là 2.125 đồng/kWh và cho giờ cao điểm là 3.699 đồng/kWh. Do giá điện cho nhóm khách hàng kinh doanh, dịch vụ tương đối cao nên Bộ Công thương kiến nghị xem xét điều chỉnh giảm giá bán điện cho khách hàng kinh doanh, dịch vụ ở mức thấp hơn mức tăng bình quân 7,5%.

Lý giải về nguyên nhân một số mặt hàng năng lượng như xăng dầu liên tục giảm giá gần đây nhưng ngành điện lại “lội ngược dòng” tăng giá, Bộ Công thương cho biết, tuy thời gian qua giá dầu giảm mạnh, nhưng các yếu tố đầu vào khác tác động đến cấu thành giá điện nên buộc ngành điện phải tăng giá. Trong đó, sản lượng điện sản xuất qua xăng dầu chỉ chiếm có 0,55% sản lượng điện cả nước. Do vậy, dù giá dầu trên thế giới giảm, nhưng không tác động đến yếu tố cấu thành giá điện. Trong khi đó, có nhiều mặt hàng, yếu tố làm ảnh hưởng đến giá điện như giá than tăng trên 20%, trong khi lượng điện được sản xuất bằng nhiệt điện chiếm tới 32,37%; bên cạnh đó, giá khí đốt cũng tăng nhiều lần.

Ngoài ra, nhiều yếu tố khác cấu thành giá điện cũng tăng như: Thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%; giá mua điện từ các nhà máy có công suất từ 30MW trở xuống cũng tăng cao… Cộng toàn bộ chi phí đầu vào của EVN đã tăng trên 12% suốt gần 2 năm nay. Chưa kể, thời gian qua, EVN phải tiếp nhận lưới điện nông thôn, thực hiện trồng bù rừng khiến tổng chi phí đầu vào tăng, nhưng giá bán lẻ điện lại không được tăng. Ngoài ra, việc tăng giá điện là để hạn chế lỗ và đủ tiền đầu tư các nhà máy điện, cải tạo lưới điện và tăng cường năng lực truyền tải điện.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, đợt tăng giá điện lần này nhiều khả năng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, nhất là khi giá xăng cũng vừa tăng mạnh cách đây vài ngày.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục