Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) Nguyễn Văn Công cho biết, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ cảng biển để phù hợp với thị trường, cân bằng giữa doanh thu của hãng tàu và doanh nghiệp cảng.
Việc tăng giá này, theo Bộ GTVT là không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và nâng cao dịch vụ chất lượng dịch vụ… vì khung giá xếp dỡ container, giá dịch vụ hành khách đối với tàu khách tại các cảng biển Việt Nam ở mức rất thấp so với khu vực.
Cụ thể, giá dịch vụ xếp dỡ container tại khu vực cảng Hải Phòng chỉ có khoảng 30 USD/cont20’/lần xếp dỡ, Đà Nẵng khoảng 45 USD/cont20’/lần xếp dỡ, TPHCM khoảng 41 USD/cont20’/lần xếp dỡ… Trong khi ở Campuchia hiện tại là 65 USD/cont20’/lần xếp dỡ, Malaysia là 52 USD/cont20’/lần xếp dỡ, Hồng Công lên tới 130 USD/cont20’/lần xếp dỡ.
Tương tự, mỗi hành khách khi cập cảng Việt Nam sẽ nộp cho cảng từ 0,9 - 1,1 USD/lượt/người, trong khi mức giá này ở cảng biển Singapore và Nhật Bản hiện khoảng 8 USD, cảng biển tại Hồng Công khoảng 14 USD, cao hơn hàng chục lần.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực vận tải hành khách du lịch biển, dù muốn phát triển du lịch biển theo chiến lược du lịch của chính phủ và địa phương nhưng các cảng biển Việt Nam chủ yếu chuyên dùng đón tàu hàng và chỉ có một số ít cảng kết hợp đón tàu khách. Để tiếp cận dần với mức giá chung của khu vực và thế giới, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất sửa đổi Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cảng biển tại Việt Nam thay thế Quyết định 3863 của Bộ GTVT đang được xây dựng theo 2 phương án:
- Phương án 1 giá dịch vụ sẽ điều chỉnh theo hướng: Khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 2,5 USD/người/lượt, tối đa là 5 USD/người/lượt; Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực I tăng khoảng 10% so với khung giá hiện hành, từ 30 USD/cont20’, 45 USD/cont40’ lên 33 USD/cont20’ và 55 USD/cont40’. Riêng khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực ĐBSCL giảm 50% so với khung giá ở dịch vụ tương tự ở khu vực III. Các nội dung khác giữ nguyên như quy định hiện hành.
- Phương án 2, giá dịch vụ được điều chỉnh theo hướng tiếp cận dần với mức giá chung của khu vực và thế giới. Cụ thể, khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 5 USD/người/lượt, tối đa là 15 USD/người/lượt; khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực 1 tăng bằng giá khu vực 3, áp dụng theo lộ trình: năm 2019 là 33 USD/cont20’ và 50 USD/cont40’ (tăng 10%), năm 2020 là 37 USD/cont20’ và 56 USD/cont40’ (tăng 20%), năm 2030 là 41 USD/cont20’ và 62 USD/cont40’ (tăng 30%). Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực Lạch Huyện điều chỉnh tăng theo lộ trình đến năm 2021 tăng từ 46 USD/cont20’, 68 USD/cont40’ lên 52 USD/cont20’ và 77 USD/cont40’. Khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải tăng 10% so với hiện tại, từ 46 USD/cont20’, 68 USD/cont40’ lên 52 USD/cont20’ và 77 USD/cont40’.
Dự thảo cũng đề nghị giữ nguyên mức khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ lai dắt cung cấp cho tàu hoạt động nội địa và nước ngoài để không gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hãng tàu, không làm tăng chi phí vận tải cũng như không ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng CPI.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 45 cảng biển (263 bến cảng, 18 khu neo đậu, chuyển tải) với gần 89km dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế khoảng 543,7 triệu tấn hàng/năm. Trong đó, chỉ có một số cảng được xây dựng với mức đầu tư lớn, trang thiết bị hiện đại (cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, cảng khu vực Lạch huyện Hải Phòng, cảng Hải Phòng, cảng Cát Lái), còn lại phần lớn các cảng của doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ lẻ, vốn đầu tư thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao. Do đó, mức giá thành dịch vụ tại từng cảng biển không tương đồng, mức khung giá một số dịch vụ được xây dựng từ năm 2013-2014 không còn phù hợp.